8,8 tỷ đồng nhằm hỗ trợ gái mại dâm "hoàn lương"

Dự án trị giá 8,8 tỷ đồng sẽ hỗ trợ tư vấn, đào tạo việc làm, khám sức khỏe, nâng cao kỹ năng sống cho 400 phụ nữ hoạt động mại dâm.
Ngày 3/5, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và tổ chức Plan đã ký kết thỏa thuận thực hiện dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên hoạt động mại dâm tại Hà Nội”.

[Khẳng định không hợp pháp hóa hoạt động mại dâm]

Dự án sẽ hỗ trợ các dịch vụ tư vấn, đào tạo việc làm, khám sức khỏe, nâng cao năng lực, kỹ năng sống cho 400 phụ nữ (dưới 25 tuổi) hoạt động mại dâm. Dự án được thực hiện trong 3 năm 2012-2015 với tổng ngân sách 8,8 tỷ đồng.

Cụ thể, nội dung chính của dự án là góp phần đáp ứng nhu cầu của người bán dâm về các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập; giúp xây dựng, thực thi và tăng cường pháp luật, chính sách cho nhóm đối tượng này.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: “Trong công tác phòng, chống mại dâm thì tư vấn, hỗ trợ người bán dâm học nghề, giúp họ có cơ hội chuyển đổi công việc là một trong những biện pháp quan trọng. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là chưa có những chính sách đặc thù về dạy nghề, việc làm, vay vốn cho người bán dâm, chưa có mô hình tổ chức các hoạt động hỗ trợ phù hợp khi họ có nhu cầu, nguyện vọng thay đổi công việc.”

Dự án nói trên được thực hiện trong bối cảnh Luật xử lý vi phạm hành chính (đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013) sẽ không quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm.

Như vậy, việc không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chương trình can thiệp giảm tác hại, hỗ trợ người bán dâm tái hóa nhập... Dự án này hoạt động như một mô hình thí điểm nhằm xây dựng những chính sách đặc thù đối với nhóm đối tượng này.

Tổ chức Plan tại Việt Nam là một tổ chức nhân đạo quốc tế, hoạt động phát triển cộng đồng tập trung vào trẻ em. Plan hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993 và đang thực hiện các chương trình dự án tại 15 tỉnh thành trên cả nước. Chiến lược quốc gia của Plan là hướng tới các cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên yếu thế tại các vùng sâu, vùng xa./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục