Chỉ tiêu tiến độ mà Quốc hội và Chính phủ phê duyệt đối với dự án sân bay Long Thành là vào tháng 12/2025, song đơn vị chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang cố gắng để hoàn thành sớm hơn, vào tháng 6/2025 và vẫn tiếp tục nỗ lực cao nhất để rút ngắn tiến độ sớm hơn nữa đối với dự án này.
Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV),
Sẽ vay bằng ngoại tệ để làm sân bay
- Ông có thể cho biết tiến độ dự án thi công xây dựng cảng hàng không Long Thành hiện nay ra sao?
Ông Lại Xuân Thanh: Sân bay Long Thành hiện đã nhận được hơn 2.600/5.300ha đất của giai đoạn 1. Về mặt thực tiễn, dự án có thể triển khai thi công được dù chưa nhận được toàn bộ diện tích mặt bằng, nhưng những phần đất quan trọng nhất để thực hiện dự án là đã nhận được và đảm bảo tiến hành thi công.
Dự án đã khởi công thực hiện một số hạng mục như rà phá bom mìn, xây hàng rào. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần (khoảng tháng 2/2022), ACV sẽ thực hiện vào những hạng mục chính là san lấp mặt bằng, móng cọc của nhà ga và sẽ triển khai xây dựng khu bay.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, ACV đang cố gắng tiếp tục xây dựng để hoàn thành sớm hơn so với chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ phê duyệt là vào tháng 12/2025. Cụ thể, ACV cố gắng xây dựng hoàn thành vào tháng 6/2025 và vẫn tiếp tục nỗ lực cao nhất để rút ngắn tiến độ sớm hơn đối với dự án này.
Dự án sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với ngành hàng không, dù có nhiều khó khăn nhưng chủ yếu về mặt kỹ thuật. Các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật nên các bộ, ban, ngành đã kịp thời vào cuộc để giải quyết vướng mắc.
[Phó Thủ tướng: Không được phép chậm tiến độ dự án sân bay Long Thành]
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đặt ra yêu cầu hàng tháng giao ban về dự án này một lần, giao ban tại cơ quan, công trường để trực tiếp chỉ đạo nhằm đưa dự án về đích sớm.
- Trong 2 năm qua, với ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu của ACV bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy nguồn vốn đầu tư của đơn vị rót xuống dự án sân bay Long Thành có bị sụt giảm?
Ông Lại Xuân Thanh: Vốn của dự án sân bay Long Thành hoàn toàn không bị ảnh hưởng dù 2 năm qua, doanh thu của ACV sụt giảm một cách nghiêm trọng do dịch COVID-19. Lợi nhuận có nhưng chỉ khoảng vài trăm tỷ đồng để tích lũy đầu tư phát triển hạ tầng hàng không.
Tuy nhiên, ACV vẫn đảm bảo cân đối nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Đối với dự án sân bay Long Thành, ACV vẫn đảm bảo nguồn vốn đầu tư 99.019 tỷ đồng và không có gì thay đổi so với trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, nguồn vốn thực có ACV từ nguồn đầu tư phát triển vẫn nắm giữ là 36.000 tỷ đồng, còn lại là vốn vay thương mại. Hiện Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã đồng ý về mặt chủ trương là vay nguồn vốn từ các ngân hàng trong nước bằng tiền USD và trả bằng USD nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay. ACV đang tích cực báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và làm việc với các ngân hàng thương mại trong nước để xây dựng phương án chi tiết trình phê duyệt phương án vay vốn.
Có tỉnh dành kinh phí cả năm để góp sức làm sây bay
- Vậy các sân bay khác có bị ảnh hưởng về tiến độ đầu tư hay không, thưa ông?
Ông Lại Xuân Thanh: Với các dự án cái tạo, nâng cấp, mở rộng các sân bay khác có bị ảnh hưởng về nguồn vốn và vừa qua, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ACV đã cân đối lại. Về cơ bản, ACV vẫn đảm bảo nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng cần có sự cân đối để điều chỉnh lại tiến độ kế hoạch thực hiện đầu tư phát triển cảng hàng không.
ACV cũng rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ mở rộng kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư hạ tầng mạng cảng hàng không.
Như vậy, nhìn tổng thể về mặt vĩ mô thì không có sự ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đầu tư phát triển theo quy hoạch các cảng hàng không đã được phê duyệt với sự tham gia rộng rãi không chỉ có nguồn vốn Nhà nước hay ACV mà còn có nguồn vốn từ các nhà đầu tư khác theo hình thức PPP.
- ACV đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của địa phương khi bàn giao mặt bằng để xây dựng các cảng hàng không?
Ông Lại Xuân Thanh: Hiện nay, ACV được giao nhiệm vụ triển khai đầu tư xây dựng rất nhiều dự án cảng hàng không trên cả nước. ACV nhận được sự vào cuộc quyết liệt ủng hộ hết lòng của địa phương, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
[Khởi công dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên]
Đơn cử như cảng hàng không Điện Biên. Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh đã triển khai ngay dự án giải phóng mặt bằng là 1.555 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương dù còn gặp rất nhiều khó khăn.
Có lãnh đạo địa phương cho hay tỉnh dành kinh phí của cả năm, coi như là không tiêu gì để dồn sức cho dự án giải phóng mặt bằng... Có như vậy thì dự án đầu tư xây dựng mới thực hiện được, từ đó tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. Đó là sự ủng hộ, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của địa phương đối với ACV, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án được triển khai thực hiện.
Trong năm nay, ACV sẽ tiếp tục triển khai các dự án như mở rộng cảng hàng không Côn Đảo để tiếp nhận tàu bay lớn hơn, cải tạo hệ thống khu bay; nhà ga Phú Bài; hạng mục chính sân bay Long Thành; nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đầu tư xây dựng nhà ga mới cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
- Xin cảm ơn ông!