ADB dự báo lạm phát ở các nền kinh tế châu Á sẽ 'hạ nhiệt'

Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo mức lạm phát trung bình tại 46 nền kinh tế thành viên tại khu vực châu Á sẽ vào khoảng 3,6% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với dự báo hồi tháng Tư là 4,2%.
ADB dự báo lạm phát ở các nền kinh tế châu Á sẽ 'hạ nhiệt' ảnh 1Cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo lạm phát đối với 46 nền kinh tế thành viên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (còn gọi là nhóm các nước châu Á đang phát triển), viện dẫn sự sụt giảm của giá lương thực và nhiên liệu, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng dịu bớt và những tác động của xu hướng tăng lãi suất đối với nền kinh tế.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế công bố ngày 19/7, ADB nhận định lạm phát tại khu vực đang quay trở lại mức trước khi đại dịch COVID-19 hoành hành.

Ngân hàng này dự báo mức lạm phát trung bình tại 46 nền kinh tế thành viên đang phát triển sẽ vào khoảng 3,6% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với dự báo hồi tháng Tư là 4,2%. Mức điều chỉnh này chủ yếu nhờ giá cả ở Trung Quốc giảm mạnh.

Châu Á đang phát triển bao gồm 46 nền kinh tế thành viên mới nổi của ADB, trải dài từ Kazakhstan ở Trung Á đến Quần đảo Cook ở Thái Bình Dương.

[ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi nửa cuối năm 2023]

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế cho nhóm này ở mức 4,8% trong năm 2023, với lý do tiêu dùng, du lịch và đầu tư vẫn duy trì tăng trưởng mạnh mẽ ngay cả khi nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu suy yếu. Tuy nhiên, sang năm 2024, ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này từ 4,8% xuống 4,7%.

ADB vẫn dự báo Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 5% trong năm nay và 4,5% vào năm 2024, nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách tài chính và tiền tệ của nước này.

Dự báo của ADB đối với tăng trưởng khu vực Đông Á ở mức 4,6%, không đổi so với dự báo trước đó. Trong khi đó, tăng trưởng khu vực Đông Nam Á được điều chỉnh giảm từ 4,7% xuống 4,6% vì nhu cầu đối với các mặt hàng chế tạo xuất khẩu trên toàn cầu yếu đi.

Thông báo của ADB còn cho hay nếu các nền kinh tế tiên tiến kiềm chế lạm phát nhanh hơn dự kiến hiện nay, giới chức quản lý của họ có thể sẽ áp dụng chính sách tiền tệ ôn hòa hơn. Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, ADB cảnh báo sự leo thang trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể khiến giá cả tăng vọt, trong khi hiện tượng thời tiết El Nino quay trở lại trong năm nay có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế.

Ngân hàng còn lưu ý rằng xu hướng liên quan tới lãi suất cũng đang đảo chiều.

Theo ADB, lạm phát ở các nền kinh tế châu Á thành viên "hạ nhiệt" trong khi Mỹ đang thắt chặt chính sách tiền tệ ở mức độ vừa phải. Hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực đã giữ lãi suất chính sách ổn định tính tới thời điểm hiện tại trong năm nay. Tuy nhiên, đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu về sự dịch chuyển sang hướng chính sách tiền tệ nới lỏng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục