Agribank: Tiếp sức cho nông dân gượng lại sau lũ

Agribank sẽ tiếp tục cấp vốn cho người dân bị thiệt hại do cơn bão số 8, để họ sớm khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục lại sản xuất.
Có mặt tại địa bàn chi nhánh Vàm Láng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất trong cơn bão số 8 (bão Sơn Tinh), chúng tôi mới thấy rõ được sức “công phá” của cơn bão này. Đây cũng là một trong những địa bàn mà khách hàng của Agribank bị thiệt hại khá nặng nề, với 550 hộ dân mất trắng số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Sau khi nước rút quang cảnh đồng ruộng, nhà cửa ở những vùng bão tàn phá còn ngổn ngang. Nhiều hộ gia đình thiệt hại từ 70 – 90% giá trị tài sản, đang không biết phải xoay sở thế nào để tiếp tục có vốn đầu tư, sản xuất.

Trang trại của ông Lương Văn Toảnh thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng tổng thiệt hại khoảng 800 triệu đồng. Mấy ngày sau cơn bão, nhưng ông Toảnh vẫn như người mất hồn vì xót của, công sức của cả gia đình đầu tư vào khu nuôi thủy sản rộng 45.000 m2 bị bão tàn phá tan hoang.

“Tôi mới vay 380 triệu đồng của Agribank chi nhánh Vàm Láng cuối tháng 8/2012 để đầu tư vào khu nuôi trồng thủy sản, giờ thì gần như trắng tay, may mắn số tôm trong đầm còn gần 5 tấn cũng là cơ hội để tôi làm lại. Nếu ngân hàng mà không cho vay vốn tiếp nữa thì tôi sẽ không biết xoay sở thế nào để có tiền mua thức ăn cho tôm, dựng lại nhà lưới ao nuôi tôm,” ông Toảnh buồn rầu nói.
 
Cùng chung tình cảnh với ông Toảnh, gia đình ông Phạm Viết Doanh thôn Láng Trình xã Nam Hưng huyện Tiên Lãng cũng bị thiệt hại 600 triệu đồng bao gồm sập 2 lán trại lợn, tôm, cá, hoa màu… Điều mà ông Doanh lo lắng nhất là số vốn 400 triệu đồng ông vay của Agribank chi nhánh Vàm Láng từ tháng 2/2012 cũng chỉ còn vài tháng nữa là đến hạn trả nợ (tháng 2/2013 – PV).

“Giờ tài sản bị bão số 8 làm thiệt hại đến 70%, vốn liếng tích lũy bao năm để đầu tư vào khu trang trại rộng gần 13.000 m2 đã bị bão tàn phá gần hết, vốn vay ngân hàng thì sắp đến ngày phải trả, nếu ngân hàng mà không cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét cho vay mới thì gia đình cũng không biết tính thế nào với khu trang trại này,” ông Doanh chia sẻ.

Còn rất nhiều gia đình khác tại huyện này cũng cùng chung hoàn cảnh giống như gia đình ông Toảnh và ông Doanh.

Trong khi đó, tại huyện đảo Cát Bà, sức tàn phá của cơn bão số 8 vẫn còn hiển hiện trên mặt biển, với nhiều bè nuôi cá bị bão đánh vỡ tan. Ông Đinh Khách Khừa vay 400 triệu đồng của Agribank chi nhánh Cát Bà để đầu tư nuôi cá và mua cá giống, với diện tích bè nuôi 480 m2, với 40 ô lồng, trong đó 30 ô lồng đang nuôi cá. Do ảnh hưởng của bão, 3 ô lồng nuôi cá bị vỡ, ước tính tài sản đã bị thiệt hại 100 triệu đồng.

Còn hộ ông Dương Thanh Thủy cũng vay 280 triệu đồng của Agribank để đầu tư vào làm bè, mua tu hài giống và các thiết bị vật dụng phục vụ nuôi trồng. “Do ảnh hưởng của bão một phần bè nuôi đã bị nhấn chìm và trôi dạt, các khay nuôi tu hài đã bị đứt dây rơi xuống biển. Ước tính tài sản bị thiệt hại 50%,” ông Thủy nói.

Giám đốc Agribank chi nhánh Hải Phòng Nguyễn Ngọc Khích cho biết, theo thống kê sơ bộ ban đầu có 1.521 khách hàng bị thiệt hại, tổng số tiền vay 243 tỷ đồng, thiệt hại ước tính 82,5 tỷ đồng. Trên cơ sở những thiệt hại thống kê được, Chi nhánh Agribank Hải Phòng sẽ thực hiện áp dụng linh hoạt các biện pháp như gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ, cho vay mới… đối với khách hàng theo quy định để giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.
 
Theo đánh giá của các chi nhánh Agribank tại các địa phương mà bão số 8 đi qua, hầu hết các hộ nông dân vay vốn bị thiệt hại với đối tượng vay là lợn, gà, hồ ao nuôi trồng thủy hải sản, các máy móc, nông cụ ,sản xuất nông nghiệp… Việc thiệt hại do mưa bão đang ảnh hưởng lớn tới khôi phục sản xuất của người dân. Tâm trạng của nhiều hộ dân vùng bão là liệu họ có được tiếp tục vay vốn của ngân hàng để khôi phục sản xuất?
 
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo sau khi làm việc trực tiếp với Agribank chi nhánh Hải Phòng, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão số 8, đã chỉ đạo biện pháp tháo gỡ khó khăn như: Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ theo quy định hiện hành đối với những khách hàng bị thiệt hại do bão lụt, gặp khó khăn về tài chính, chưa có điều kiện trả nợ theo thỏa thuận.

Trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ gốc hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và chi nhánh nơi cho vay đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo, thì chi nhánh nơi cho vay xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc hoặc lãi vốn vay... Bên cạnh đó, ông Bảo cũng khẳng định sẽ tiếp tục cấp vốn cho người dân bị thiệt hại để họ sớm khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục lại sản xuất.

“Việc khắc phục hậu quả lũ lụt và khôi phục sản xuất của người dân là quan trọng nhất trong thời điểm này. Trong quá trình cho khách hàng vay, các chi nhánh cần nghiên cứu, tư vấn cho người dân đầu tư theo chiều sâu trong sản xuất, kinh doanh để có thể phòng ngừa rủi ro ngay cả khi bão lụt có xảy ra nhằm hạn chế thiệt hại. Sản xuất  của người nông dân bền vững có hiệu quả thì ngân hàng tránh được rủi ro, đồng vốn đầu tư được đảm bảo an toàn” ông Bảo nhấn mạnh./.

Thu Hương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục