Ai Cập đã đạt được thỏa thuận mua khí hóa lỏng của Nga

Ai Cập đã đạt được thỏa thuận ban đầu với Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga về việc nhập khẩu khoảng 35 lô khí hóa lỏng (LNG) trong vòng 5 năm tới.
Ai Cập đã đạt được thỏa thuận mua khí hóa lỏng của Nga ảnh 1(Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ai Cập đã đạt được thỏa thuận ban đầu với Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga về việc nhập khẩu khoảng 35 lô khí hóa lỏng (LNG) trong vòng 5 năm tới.

Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Sherif Ismail cho biết Gazprom sẽ cử một phái đoàn đến Ai Cập vào giữa tháng Hai tới để tiến tới hoàn tất thỏa thuận, theo đó tập đoàn khí đốt của Nga sẽ cung cấp cho quốc gia Bắc Phi này 7 lô LNG mỗi năm trong giai đoạn 2015-2020, theo mức giá trên thị trường thế giới tại thời điểm cung ứng.

Cũng theo ông Ismail, một phái đoàn của Tập đoàn Sonatrach (Algeria) sẽ đến Cairo vào cuối tháng này để tiếp tục đàm phán về các lô LNG sẽ được cung ứng trong giai đoạn 2016-2020. Theo thỏa thuận ban đầu, Sonatrach sẽ cung cấp cho Ai Cập 6 lô LNG trong năm 2015, nhằm cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy điện hoạt động. Tổng khối lượng các lô LNG nhập khẩu từ Algeria lên đến 145.000 m3, được bàn giao mỗi tháng một chuyến trong khoảng thời gian từ tháng 4-9/2015, theo mức giá trên thị trường thế giới tại thời điểm cung ứng.

Tháng 10/2014, Ai Cập đã mở thầu nhập khẩu LNG từ nước ngoài với khối lượng 40 lô mỗi năm. Có 7 công ty đã tham gia đấu thầu và chính quyền Ai Cập hy vọng hoàn tất mọi thủ tục nhập khẩu vào cuối tháng này, bao gồm cả việc xét thầu và ký thỏa thuận với các công ty.

Trong một diễn biến liên quan, tháng 11/2014, công ty HOG Energi của Na Uy cho biết đã ký hợp đồng có thời hạn 5 năm với Công ty tập đoàn khí đốt tự nhiên Ai Cập (Egas) liên quan đến việc cho thuê một kho nổi tái hóa khí để tiếp nhận các lô LNG nhập khẩu từ nước ngoài. Kho nổi này dự kiến sẽ được đưa vào vận hành cuối tháng 3 tới, có công năng chuyển khí đốt từ dạng lỏng thành dạng khí với công suất hơn 1,5 triệu m3/ngày.

Hiện Ai Cập đang lên kế hoạch phát triển chiến lược quốc gia về năng lượng, nhằm đảm bảo nguồn cung bền vững, thân thiện với môi trường cho thị trường nội địa; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước; và cải cách trợ cấp năng lượng trong 5 năm tới, trong đó ưu tiên bảo vệ lợi ích của người dân nghèo.

Ngày 19/1, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới các nguồn năng lượng tương lai (WEFS) tại Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE), Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi nêu rõ: "Sự đa dạng trong các nguồn cung năng lượng và quản trị việc tiêu thụ năng lượng là một trong những ưu tiên chính trong chính sách phát triển của Chính phủ Ai Cập."

Theo Tổng thống Ai Cập, quốc gia Bắc Phi có kế hoạch nâng thị phần của các nguồn năng lượng tái tạo lên 20% tổng sản lượng năng lượng của Ai Cập vào năm 2020, trong đó bao gồm cả mục tiêu đưa công suất của các nhà máy điện chạy bằng năng lượng gió và mặt trời lên mức 4.300 MW trong vòng ba năm tới. Hiện tại, năng lượng mặt trời mới chỉ chiếm 1% trong tổng sản lượng điện của nước này. Trạm điện chạy bằng năng lượng gió đầu tiên của Ai Cập thuộc sở hữu của tập đoàn quốc gia phân phối các sản phẩm dầu mỏ Misr, bắt đầu hoạt động tại trung tâm thành phố Cairo vào tháng 9/2014.

Thông báo ngày 19/1 của Bộ Dầu mỏ Ai Cập cho biết giá dầu thế giới giảm mạnh đã giúp nước này tiết kiệm hơn 30% trợ cấp năng lượng trong nửa đầu tài khóa 2014/15 (bắt đầu từ ngày 1/7/2014).

Theo đó, Chính phủ Ai Cập đã chi 45 tỷ bảng Ai Cập (6,35 tỷ USD) cho trợ cấp năng lượng trong 6 tháng đầu tài khóa hiện tại, trong bối cảnh giá dầu thô đã giảm hơn 50% từ mức đỉnh 115 USD/thùng hồi tháng 6 vừa qua. Trước đó, quốc gia Bắc Phi này dự kiến chi khoảng 100 tỷ bảng (14,11 tỷ USD) cho trợ cấp năng lượng trong tài khóa 2014/15, dựa trên giá dầu giả định ở mức 109-110 USD/thùng.

Trợ cấp nhiên liệu chiếm hơn 1/5 chi tiêu ngân sách hàng năm của Ai Cập. Riêng trong một thập kỷ qua, trợ cấp năng lượng đã khiến ngân khố quốc gia thâm hụt gần 100 tỷ USD. Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Ai Cập đã áp dụng mức giá nhiên liệu mới với mức tăng cao nhất lên tới 175% trong một nỗ lực nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách và cải cách nền kinh tế trì trệ sau hơn 3 năm bất ổn chính trị. Trong đó, giá xăng đã được điều chỉnh tăng tới 78%. Ngoài ra, trợ cấp nhiên liệu cũng được điều chỉnh xuống còn 100 tỷ bảng Ai Cập (14,11 tỷ USD) so với mức đề xuất ban đầu là 144 tỷ bảng (21 tỷ USD).

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Sherif Ismail cho rằng nếu giá dầu được duy trì ở mức dưới 60 USD/thùng trong phần còn lại của tài khóa 2014/15, trợ cấp nhiên liệu của nước này có thể chỉ ở mức 65 tỷ bảng (7,17 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với mức 126 tỷ bảng (17,78 tỷ USD) hồi năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục