Trong một nỗ lực nhằm thu hút khách du lịch, Chính phủ Ai Cập vừa mở cửa hai kim tự tháp cổ của nước này ở phía Nam thủ đô Cairo cho khách tham quan, đồng thời công bố phát hiện về nhiều cỗ quan tài với các xác ướp được bảo quản tốt.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Cổ vật Khaled al-Anani cho biết kim tự tháp Bent của Vua Sneferu, vị pharaoh đầu tiên thuộc vương triều thứ tư của Ai Cập cổ đại, và một kim tự tháp "vệ tinh" gần đó sẽ được mở cửa trở lại cho công chúng lần đầu tiên kể từ năm 1965.
Kim tự tháp Bent được xây dựng vào khoảng năm 2600 trước Công nguyên, nằm ở phía Nam của kinh đô cổ Memphis.
Kim tự tháp Bent đại diện cho một hình thức xây dựng kim tự tháp chuyển tiếp giữa kim tự tháp Djoser (từ năm 2667-2648 trước Công nguyên) và kim tự tháp Meidum (cũng khoảng năm 2600 trước Công nguyên).
[Ai Cập phát hiện một khu mộ cắt đá 3.500 năm tuổi tại Luxor]
Theo các nhà khảo cổ, công trình kiến trúc cao 101m này là bằng chứng đánh dấu một bước quan trọng trong sự phát triển của việc xây dựng kim tự tháp giữa các kim tự tháp bậc thang và các kim tự tháp hoàn chỉnh.
Bent cũng là kim tự tháp duy nhất trong số khoảng 90 kim tự tháp được tìm thấy ở Ai Cập còn giữ được gần như nguyên vẹn lớp vỏ đá vôi được đánh bóng bên ngoài.
Kim tự tháp Bent có hai lối vào, một lối xuống khá thấp ở mặt phía Bắc, lối vào thứ hai cao hơn ở mặt phía Tây của kim tự tháp. Mỗi lối vào dẫn đến một căn phòng khác nhau.
Lối vào phía Bắc dẫn đến một căn phòng nằm ngay dưới mặt đất. Trong khi lối vào phía Tây dẫn đến một căn phòng được xây dựng ngay trong thân của kim tự tháp.
Khách du lịch có thể đi xuống một đường hầm hẹp dài 79m để đến hai căn phòng nằm sâu bên trong cấu trúc 4.600 năm tuổi này.
Ngoài ra, khách tham quan cũng có thể tới thăm một kim tự tháp phụ sát bên cạnh, có chiều cao 18m, nhiều khả năng là nơi chôn cất Hoàng hậu Hetepheres - vợ của Pharaoh Sneferu.
Cũng dịp này, Ai Cập công bố nhiều quan tài bằng đá mới được tìm thấy - trong đó nhiều quan tài còn chứa xác ướp được bảo quản trong điều kiện tốt - và một bức tường có niên đại từ thời kỳ Trung Vương quốc cách đây 4.000 năm, trong quá trình khai quật tại nghĩa địa hoàng gia Dahshur ở bờ Tây sông Nile - nơi có những kim tự tháp cổ xưa nhất Ai Cập.
Theo Bộ trưởng Khaled al-Anani, "một số cỗ quan tài bằng đá, đất nung và gỗ đã được tìm thấy, và trong số này có chứa những xác ướp trong tình trạng tốt." Trong khi đó, bức tường cổ nói trên dài 60m và được phát lộ ở phía Nam kim tự tháp của Vua Amenemhat II, pharaoh của vương triều thứ 12.
Ngoài ra, những hiện vật được trưng bày trước công chúng trong dịp này còn có các mặt nạ sử dụng trong nghi thức lễ tang, các công cụ có từ thời kỳ Hậu nguyên - giai đoạn kéo dài 300 năm cho đến khi Alexander Đại đế chinh phục Ai Cập năm 332 trước Công nguyên - được sử dụng để cắt xẻ đá.
Trong những năm gần đây, Ai Cập đang nỗ lực thúc đẩy các dự án khai quật và khám phá trên cả nước để hồi sinh ngành du lịch, vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau cuộc nổi dậy năm 2011 trong phong trào Mùa Xuân Arab, khiến chính quyền Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ./.