Ai sẽ ngồi vào ghế của Myanmar ở hội nghị thượng đỉnh ASEAN?

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan gọi quyết định loại Thống tướng Min Aung Hlaing khỏi hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN là một quyết định “khó khăn nhưng cần thiết.”
Ai sẽ ngồi vào ghế của Myanmar ở hội nghị thượng đỉnh ASEAN? ảnh 1Tư lệnh Lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết trên báo The Straits Times mới đây, để thể hiện tính hợp pháp, chế độ quân sự của Myanmar đã rất thận trọng khi phát những hình ảnh về các cuộc gặp của họ với các nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi chế độ này lên nắm quyền ngày 1/2 sau cuộc đảo chính.

Vì vậy, việc Thống tướng Min Aung Hlaing bị loại khỏi hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), diễn ra từ ngày 26-28/10 tới, là “một cái tát vào mặt” chính quyền quân sự Myanmar.

Quyết định chưa từng có nói trên, được ASEAN đưa ra tối 15/10 vừa qua, đã khôi phục phần nào uy tín của ASEAN - tổ chức từng bị cáo buộc là công nhận một chế độ tàn bạo chống lại ý chí của đa số người dân Myanmar. Tuy nhiên, quyết định này cũng đặt ra nhiều câu hỏi.

Trong tuyên bố được đưa ra 1 ngày sau cuộc họp khẩn của các ngoại trưởng ASEAN, nước Chủ tịch ASEAN Brunei cho biết có ý kiến cho rằng chính quyền quân sự Myanmar dường như đã cố ý trì hoãn việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar dựa trên "Đồng thuận 5 điểm" đã được nhất trí trước đó.

[Lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar không dự Hội nghị cấp cao ASEAN]

Trong tuyên bố ngày 16/10, Brunei nhấn mạnh: “Do chưa đạt đủ tiến bộ... và có những lo ngại về cam kết của Myanmar, đặc biệt là đối với việc thiết lập các cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, một số nước thành viên đã khuyến nghị ASEAN tạo không gian để Myanmar giải quyết các vấn đề nội bộ và quay trở lại trạng thái bình thường.”

Tuyên bố có đoạn: “Cuộc họp đã đưa ra quyết định mời một đại diện phi chính trị của Myanmar tham dự các hội nghị thượng đỉnh sắp tới.” Đây là cách giữ thể diện cho Thống tướng Min Aung Hlaing, nhưng điều này cũng đặt ra thách thức vì thực tế là hầu như không có không gian “phi chính trị” ở Myanmar.

Chính quyền quân sự đã tấn công và ngược đãi một cách có hệ thống các đối thủ chính trị lớn nhất của mình cũng như các công chức, các tình nguyện viên y tế và các nhà sư phản đối sự cai trị của họ. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc đối thủ đã cảnh báo các công chức không nên đi làm. Các nhóm vũ trang địa phương chống lại chính quyền quân sự đang đe dọa thậm chí cả những nhân viên thu tiền điện. Hơn 1.000 người đã thiệt mạng.

Trong khi các chi tiết đầy đủ hơn từ ASEAN vẫn chưa được tiết lộ, các nhà phân tích dự đoán rằng Brunei rất có thể sẽ cho phép chính quyền quân sự lựa chọn đại diện “phi chính trị” của mình để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới.

Chuyên gia Moe Thuzar thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) cho biết ASEAN đang thực sự cố gắng tạo ra sự khác biệt giữa nhà nước và chính phủ. Bà nhận định: “Điều mà ASEAN đang tỏ rõ là họ không muốn người đứng đầu Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) Min Aung Hlaing ngồi vào chiếc ghế của Myanmar trong các cuộc họp của ASEAN. Tuy nhiên, khi chúng ta nói đến việc Myanmar có thể chỉ định một đại diện, điều đó có nghĩa là SAC sẽ chỉ định người này. Cho dù một công chức cấp cao được lựa chọn thì người đó vẫn sẽ là đại diện của SAC.”

Ai sẽ ngồi vào ghế của Myanmar ở hội nghị thượng đỉnh ASEAN? ảnh 2Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing. (Nguồn: Reuters)

Một số ý kiến chỉ ra rằng ngay cả Ngoại trưởng của chính quyền quân sự Wunna Maung Lwin cũng có thể bị loại. Theo ông Aaron Connelly, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), quyết định thực sự phụ thuộc vào nước Chủ tịch Brunei.

Ông dự đoán có thể Brunei quyết định rằng Wunna Maung Lwin, với tư cách là một quan chức ngoại giao và là một công chức dân sự, sẽ mang tính phi chính trị. Ông cho rằng sẽ có nhiều người không đồng ý với quan điểm đó. Tuy nhiên, nếu mục đích thực sự của cách tiếp cận này là hạ cấp sự tham gia của Myanmar tại hội nghị thượng đỉnh, hạ thấp mức độ đại diện của nước này, thì mục đích đó vẫn sẽ được đáp ứng.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan gọi quyết định ngày 15/10 của ASEAN là “khó khăn nhưng cần thiết.” Chắc chắn, quyết định này sẽ là khiến một số nước thành viên ASEAN không thoải mái, ví dụ như Thái Lan - đất nước mà các nhà lãnh đạo chính trị then chốt lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014 và đã tự “làm mới mình” thành những chính trị gia dân sự.

Một số người tự hỏi liệu quyết định của ASEAN hạ cấp sự tham gia của Myanmar tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới có khiến chính quyền quân sự tức giận đến mức tẩy chay hội nghị hay không? Bà Moe Thuzar cho rằng ASEAN vẫn là một trong những diễn đàn hiếm hoi mà SAC có thể khẳng định rằng họ bằng cách này hay cách khác đang tham gia bình đẳng vào các diễn đàn đa phương.

Bộ Ngoại giao của chính quyền quân sự tối 15/10 cho biết họ “vô cùng thất vọng” và cho rằng quyết định đó “được đưa ra mà không có sự đồng thuận và đi ngược lại các mục tiêu của ASEAN, Hiến chương ASEAN và các nguyên tắc của hiệp hội.”

Trong khi đó, theo ông Connelly, quyết định của ASEAN chứng minh cho lực lượng phản kháng chống đảo chính ở Myanmar thấy rằng vẫn có sự tranh luận sôi nổi trong cộng đồng quốc tế về việc hiệp hội sẽ áp dụng cách tiếp cận nào và cách tiếp cận đó sẽ “thấm nhuần” cách thức cuộc kháng chiến chống đảo chính diễn ra trên thực địa ở Myanmar./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục