AITIG tăng cơ hội giao thương ASEAN và Ấn Độ

Nhiều mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sẽ lọt vào danh sách được hưởng lợi lớn khi Hiệp định này có hiệu lực.

Theo ông Lal T.Muana, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, việc tăng cường liên kết giữa Ấn Độ và ASEAN là bước đi quan trọng nhằm cụ thể giấc mơ của lãnh đạo các nước trong khối nhằm đưa hàng hóa và dịch vụ ra toàn cầu.

Phát biểu tại Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN, cơ hội thúc đẩy thương mại song phương” do Bộ Công thương tổ chức, ngày 12/1, ông Lal T.Muana nhấn mạnh, với Hiệp định tự do thương mại thì cơ hội cũng như thách thức sẽ đan xen nhau và người tiêu dùng có được sự lựa chọn tốt nhất về hàng hóa, dịch vụ do các bên mang lại.

Đánh giá của Bộ Công thương cũng cho thấy, Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN là Hiệp định có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn khủng hoảng, khi kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Ấn Độ và ASEAN không ngừng được nâng cao, năm 2009 đạt 60 tỷ USD và dự kiến đạt 70 tỷ USD vào năm 2010.

Với Hiệp định thương mại này, thuế suất thuế nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa như điện tử, hóa chất, máy móc, hàng dệt may sẽ giảm xuống còn 0% trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2016. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu đối với 5.000 mặt hàng công nghiệp và nông nghiệp cũng được xóa bỏ, tương đương 60% số lượng các mặt hàng trao đổi giữa hai bên.

Với lộ trình cặt giảm thuế như vậy, nhiều mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sẽ lọt vào danh sách được hưởng lợi lớn khi Hiệp định này có hiệu lực.

Ông Lê Quang Lân, Phú Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Trưởng đoàn đàm phán FTA Ấn Độ-ASEAN của Việt Nam về FTA Ấn Độ-ASEAN cho biết, nhìn vào bức tranh xuất khẩu sang Ấn Độ của Việt Nam, có tới 63% mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi từ việc cắt giảm đó.

Tuy nhiên, ông Lân cũng cho rằng, bên cạnh những cơ hội thì thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nhỏ, bởi trong gần 3 tỷ USD về cán cân thương mại hai chiều giữa hai nước, xuất khẩu sang Ấn Độ của Việt Nam mới chỉ chiếm trên 300 triệu USD và là con số rất khiêm tốn.

"Hầu hết sản phẩm của Ấn Độ xuất sang Việt Nam không cần FTA cũng đã nằm trong danh mục ưu đãi về thuế từ 0-5% rồi, khi cắt giảm thuế thì áp lực cạnh tranh sẽ mạnh hơn đối với hàng hóa của Việt Nam và sẽ tập trung chủ yếu vào các ngành hàng như cao su, da giày và đồ gỗ…", ông Lân nói.

Cũng theo ông Lân, hiện Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Hiệp định này và tháng 3/2010 sẽ triển khai dần theo các bước. "Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu và nắm bắt các cơ hội cũng như thách thức khi Hiệp định này có hiệu lực”, ông Lân lưu ý.

Trước đó, ngày 13/8/2009 tại Băngkok, Thái Lan, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ đã ký Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIG) nhằm xóa bỏ thuế qua đối với nhiều mặt hàng của hai bên. Như vậy, Ấn Độ là đối tác thứ hai sau Trung Quốc, mà ASEAN ký Hiệp định tự do thương mại, kết thúc khoảng thời gian gần 8 năm đàm phán./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục