Ấn Độ: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại thủ đô New Delhi

những ngày gần đây, Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) tại thủ đô với 20 triệu dân đã vượt mức 350 trên thang đo 500, mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Ấn Độ: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại thủ đô New Delhi ảnh 1Thủ đô New Delhi của Ấn Độ bị bao phủ trong lớp khói bụi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hằng năm khi mùa Đông đến, tình trạng ô nhiễm khói bụi gia tăng tại các khu vực đồng bằng phía Bắc Ấn Độ và thủ đô New Delhi. Dù giới chức trách thực hiện nhiều biện pháp nhưng tình hình cải thiện không đáng kể và điều này làm gia tăng quan ngại đối với sức khỏe của hàng triệu người.  

Ngày 14/12, hãng tin Reuter (Anh) dẫn số liệu của Cơ quan Giám sát Chất lượng Không khí, Dự báo và Nghiên cứu Thời tiết Ấn Độ (SAFAR), những ngày gần đây, Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) tại thủ đô với 20 triệu dân đã vượt mức 350 trên thang đo 500.

Chỉ số đo lường mật độ bụi mịn PM2.5 này ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Bụi mịn PM2.5 có thể thâm nhập vào phổi, gây ra những căn bệnh chết người, trong đó có ung thư và các bệnh về tim mạch. 

Mùa mưa tại Ấn Độ thường kết thúc vào tháng 9. Sang tháng 10, chất lượng không khí bắt đầu suy giảm khi nhiệt độ mát hơn, song song với đó lượng gió giảm khiến các chất gây ô nhiễm tồn tại lâu hơn trong bầu không khí

[Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến 2,5 tỷ cư dân thành phố]

Tình trạng ô nhiễm tiếp tục xấu đi vào tháng 11 do người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch ở bang Punjab và Haryana, một phần của vành đai trang trại giáp New Delhi. Theo các chuyên gia, việc đốt rơm rạ chiếm khoảng 25% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở miền Bắc Ấn Độ.

Sang tháng 12, dù phần lớn hoạt động này đã kết thúc, nhưng New Delhi vẫn ô nhiễm do thủ đô của Ấn Độ có gần 10 triệu phương tiện xả thải, nhiều hơn cả 3 thành phố lớn Mumbai, Chennai và Kolkata cộng lại.

Nguồn phát thải này kết hợp với khí thải từ các hoạt động công nghiệp và bụi từ các công trường xây dựng càng khiến bầu không khí âm u.

Ngoài ra, việc mở rộng thành phố đã thu hẹp diện tích rừng - lá phổi xanh quan trọng - quanh New Delhi, trong khi các đối tượng khai thác đá trái phép đang "xẻ" hàng loạt ngọn đồi gần đó, làm mất đi "rào chắn" tự nhiên cản bụi từ sa mạc Thar. Trước thực trạng này, chính quyền sở tại đã cấm các hoạt động xây dựng và đóng cửa trường học nhằm bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng không có đủ nguồn lực để kiểm soát hiệu quả các hoạt động công nghiệp phi pháp và để thực thi các quy định về phát thải.        

Tòa án Tối cao Ấn Độ đã yêu cầu chính quyền thủ đô New Delhi làm việc với các bang lân cận và chính quyền liên bang nhằm tìm cách cải thiện tình hình./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục