Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa ATV-D10

Ấn Độ vừa phóng thử thành công loại tên lửa đẩy ATV-D10, được phát triển bằng công nghệ cao cho phép hạ đáng kể giá thành chế tạo.
Các nhà khoa học Ấn Độ vừa phóng thử nghiệm thành công loại tên lửa đẩy ATV-D10, được phát triển bằng công nghệ cao cho phép hạ đáng kể giá thành chế tạo.

Tên lửa thử nghiệm do Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) chế tạo mới được phóng tại sân bay vũ trụ ở Sriharikota, gần thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamin Nadu, miền Nam Ấn Độ.

Trong 6 giây đầu tiên sau khi phóng, tên lửa ATV-D10 đạt vận tốc 6 km/giây, gấp 6 lần tốc độ âm thanh, và bay lên tới độ cao 46km trong 120 giây, sau đó được cho rơi xuống vịnh Bengal.

Ông Satish, người phát ngôn của ISRO cho biết ATV-D10 là loại tên lửa đẩy thử nghiệm lớn nhất từ trước tới nay do ISRO phát triển. Tên lửa thế hệ mới này được trang bị động cơ phản lực sử dụng công nghệ đẩy dùng oxy trong không khí.

Công nghệ này sử dụng oxy trong không khí để đốt cùng với nhiên liệu của tên lửa tạo ra lực đẩy tên lửa bay lên, khác với công nghệ hóa học vẫn dùng để chế tạo tên lửa: mang cả oxy lẫn nhiên liệu trong các tầng đẩy của tên lửa.

Như vậy, tên lửa ATV-D10 nhẹ hơn nhiều (do không mang theo oxy) và hiệu quả hơn, do vậy giá thành hạ hơn.

Theo tính toán của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), giá đưa một vật thể có khối lượng 1 pound (0,454kg) lên vũ trụ là 10.000 USD.

Với thành công trên, Ấn Độ có thể chế tạo các tên lửa đẩy đưa các vệ tinh có khối lượng lớn lên quỹ đạo của Trái Đất với giá thành thấp. Theo tính toán của các nhà khoa học nước này, các tên lửa được phát triển bằng công nghệ mới có khả năng đưa khối lượng 200-400kg lên quỹ đạo ở độ cao 800km./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục