Ấn tượng 'tiếng hát át tiếng bom' của nghệ sỹ nhân dân Tường Vi

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiếng hát của nghệ sỹ nhân dân Tường Vi đã có sức mạnh át đi những tiếng bom tàn khốc trên chiến trường.
Ấn tượng 'tiếng hát át tiếng bom' của nghệ sỹ nhân dân Tường Vi ảnh 1Nghệ sỹ nhân dân Tường Vi. (Nguồn: Đẹp)

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiếng hát của nghệ sỹ nhân dân Tường Vi đã có sức mạnh át đi những tiếng bom tàn khốc trên chiến trường.

Tiếng hát của người nghệ sỹ như "liều thuốc" đặc biệt, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sỹ ngày đêm chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Gặp chiến sỹ là hát

Trong những ngày cả nước đang rộn ràng kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh (19/5/1959-19/5/2019), phóng viên TTXVN đã gặp nghệ sỹ nhân dân Tường Vi, nghe bà kể chuyện về những năm tháng đi biểu diễn phục vụ chiến sỹ trên khắp các chiến trường.

Dù đã bước sang tuổi 80 nhưng nghệ sỹ nhân dân Tường Vi vẫn còn rất minh mẫn. Đặc biệt, khi nhắc đến ký ức về những năm tháng theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường từ Bắc vào Nam, trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, nghệ sỹ nhân dân Tường Vi không giấu nổi tự hào xen lẫn xúc động.

Chia sẻ về con đường đến với nghệ thuật, nghệ sỹ nhân dân Tường Vi cho biết bà sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam, trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật.

Năm 16 tuổi, bà xin nhập ngũ rồi trở thành y tá tại Viện Quân y 108. Là y tá nhưng lại được trời phú cho chất giọng tốt, nên trong những lần điều trị cho thương binh, thấy thương binh đau đớn, Tường Vi thường hát cho thương binh nghe, giúp họ quên đi nỗi đau và yên tâm dưỡng thương.

Sau này, tiếng hát của Tường Vi được nhiều người biết đến, bà được chuyển sang Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, được đào tạo về âm nhạc và tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội ở các chiến trường.

Thời đó, nhắc đến Tường Vi là các chiến sỹ nhớ ngay đến giọng ca trong veo, cao vút, gắn với những ca khúc nổi tiếng như "Tiếng đàn Ta Lư," "Cô gái vót chông," "Bóng cây Kơ-nia," "Em là hoa Pơ Lang," "Người con gái sông La"... Tiếng hát của Tường Vi gây ấn tượng đặc biệt đối với các chiến sỹ, đến nỗi cứ gặp ở đâu là các chiến sỹ lại đề nghị Tường Vi hát ở đó.

Nghệ sỹ nhân dân Tường Vi kể lại trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, bà theo Đoàn văn công của Tổng cục Chính trị đi biểu diễn ở khắp các chiến trường, từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, lên Tây Nguyên, đường 9 Nam Lào và sang cả vùng đất Tây Trường Sơn (Lào)...

Nơi nào có bộ đội, Đoàn lại dừng hát cho bộ đội nghe, động viên các chiến sỹ. Bất cứ chỗ nào cũng có thể trở thành sân khấu biểu diễn. Khi thì hát giữa rừng, sân khấu là vài viên đá xếp lên; có lúc sân khấu được dựng ngay bên bờ suối và có khi lấy cả mui xe ô tô làm sân khấu.

"Thời đó, tôi hát nhiều đến nỗi, lúc nào trong túi cũng phải có một lọ B1, sau mỗi lần hát, tôi lại phải ngậm vài viên B1 cho lại sức. Có những buổi, hát trong hang đá, bom dội trên đầu, rung chuyển, nhũ đá trong hang rơi cả vào người," nghệ sỹ nhân dân Tường Vi nhớ lại.

Những kỷ niệm không thể quên

Khi nhắc đến năm tháng ở chiến trường, nghệ sỹ nhân dân Tường Vi bảo: "Nhớ lắm, biết bao nhiêu kỷ niệm, trong đó có nhiều kỷ niệm mà tôi mãi mãi không thể nào quên."

Đó là lần Tường Vi cùng anh em trong Đoàn đi biểu diễn, gần tới Khe Sanh, đoàn gặp một tiểu đoàn. Thấy xe ôtô của Đoàn ca múa văn công Tổng cục Chính trị, các chiến sỹ hỏi vọng sang: "Văn công à, có Tường Vi không?" Bên này trả lời: "Có!"

Nghe thấy vậy, các chiến sỹ trên xe nhảy ào xuống, đề nghị được nghe Tường Vi hát. Thế là, 4 chiếc xe ôtô chụm đầu vào nhau, các chiến sỹ "nhấc" Tường Vi đứng lên một sân khấu đặc biệt, được tạo ra từ mui xe ôtô và Tường Vi cứ thế hát.

"Hôm đó, tôi hát bài "Tiếng đàn Ta Lư," cả tiểu đoàn vừa nghe, vừa vỗ tay hoan hô. Khi tôi hát đến đoạn cuối cùng, các chiến sỹ cũng hú theo. Tiếng hát của chúng tôi vang vọng cả một khu rừng."

Kết thúc bài hát, các chiến sỹ đến chia tay tôi và bảo: Nghe Tường Vi hát khỏe cả người, lại dư sức để chiến đấu tiếp…," nghệ sỹ nhân dân Tường Vi xúc động nhớ lại.

[Infographics] Những đóng góp nổi bật của Bộ đội Trường Sơn

Lần khác, Đoàn văn công vào thăm thương binh đang điều trị tại một trạm xá ở trong rừng sâu. Rất nhiều người bị thương đang nằm điều trị, có chiến sỹ bị thương nặng, băng bó khắp người, chỉ còn hở đôi mắt. Khi đang hát, Tường Vi nhìn sang, thấy khóe mắt chiến sỹ rơi lệ, Tường Vi cũng vừa hát vừa khóc. Các thành viên trong đoàn nhìn thấy cảnh ấy cũng xúc động khóc theo.

Những lần nghe tin Tường Vi và Đoàn văn công Tổng cục Chính trị về biểu diễn ở Quảng Bình, bộ đội đi gần 30km về nghe hát, xem biểu diễn, rồi lại đi... Có người đến gặp Tường Vi và bảo, khi ở trong rừng sâu, mỗi khi nghe tiếng Tường Vi hát trên đài, dù đang ngủ cũng phải vùng dậy liền.

Nghệ sỹ nhân dân Tường Vi bảo, thời đó dù rất gian khổ nhưng cũng vui lắm. Những chuyến đi biểu diễn, bà thường xuyên nhận được thư hỏi thăm và cảm ơn vì họ được nghe Tường Vi hát rất hay. Nhiều chiến sỹ còn gửi quà tặng ca sỹ Tường Vi, khi là chiếc lược, khi là con dao hay chiếc nhẫn do các chiến sỹ tự làm từ mảnh vỏ máy bay.

"Những món quà dù nhỏ, nhưng vô cùng ý nghĩa đã khiến tôi vô cùng xúc động, đó cũng là động lực để giúp tôi càng yêu nghề hơn, có thêm động lực, tiếp tục cống hiến," nghệ sỹ nhân dân Tường Vi chia sẻ.

Ngoài ca hát, nghệ sỹ nhân dân Tường Vi còn là một nhạc sỹ. Bà sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như "Phi đội ta xuất kích," "Quê hương anh là biển cả," "Em lắng nghe tiếng đời"... Những ca khúc thiếu nhi của bà cũng rất được yêu thích như "Đời cho em những nốt nhạc vui," "Trái tim ơi đừng buồn," "Ước mơ của bé là hòa bình"...

Cả cuộc đời gắn bó với màu áo lính, mang tiếng hát phục vụ chiến sỹ trên chiến trường, đến khi hòa bình lập lại, nghệ sỹ nhân dân Tường Vi lại tiếp tục mang lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân.

Ở tuổi lẽ ra nên nghỉ ngơi, dưỡng già, nghệ sỹ nhân dân Tường Vi lại miệt mài với việc giúp đỡ những trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt.

Bà sáng lập 3 trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam, để cùng với các nhạc sỹ, nghệ sỹ, giáo viên tâm huyết, nhà hảo tâm đón nhận, nuôi dưỡng, phát triển năng khiếu âm nhạc cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, mồ côi hoặc tổn thương về tình cảm... mang lại tương lai tươi sáng cho trẻ em thiệt thòi.

Gần đây, do tuổi cao, sức yếu, nghệ sỹ nhân dân Tường Vi không còn đủ sức khỏe để đảm đương công việc, nên trung tâm ở Hà Nội đang tạm ngừng hoạt động.

"Hiện nay, hai trung tâm ở Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn hoạt động tốt, nên tôi rất yên tâm. Chỉ tiếc là giờ tôi không đủ sức khỏe để quản lý trung tâm ở Hà Nội, trong khi vẫn còn rất nhiều em nhỏ đang cần được giúp đỡ. Tôi hy vọng tới đây sẽ có người tiếp tục thay tôi giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, để các em có tương lai tốt đẹp hơn," nghệ sỹ nhân dân Tường Vi trăn trở nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục