Anh: Trào lưu mua bán qua mạng đang lất át cửa hiệu truyền thống

Do sự bùng nổ của trào lưu mua bán qua mạng và chi tiêu tiêu dùng của người Anh giảm trong năm 2017, số các cửa hiệu mới mọc lên tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm.
Anh: Trào lưu mua bán qua mạng đang lất át cửa hiệu truyền thống ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Hindu)

Do sự bùng nổ của trào lưu "shopping online" (mua bán qua mạng) và chi tiêu tiêu dùng của người Anh giảm trong năm 2017, số các cửa hiệu mới mọc lên tại "xứ sở sương mù" đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm.

Theo nghiên kết quả khảo sát do tập đoàn tư vấn và kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) tiến hành đối với 500 trung tâm thành phố, thị trấn, công bố ngày 11/4, tổng số các cửa hiệu khai trương đã giảm gần 10% xuống còn 4.038 cửa hàng mở mới trong năm 2017.

Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2010 và thấp hơn nhiều so với con số 4.534 trong năm 2016. Trong khi đó, số cửa hiệu sập tiệm lại tăng gần 8% lên 5.855 cửa hiệu phải đóng cửa. Tổng thể, đã có 1.772 cửa hiệu "biến mất" trên các hè phố Anh trong năm 2017. 

Trong báo cáo đưa ra cùng ngày, người phụ trách mảng thị trường tiêu dùng của PwC, bà Lisa Hooker cho biết 2017 là năm khó khăn đối với ngành công nghiệp bán lẻ của Anh, đặc biệt là 6 tháng cuối năm.

Bà Lisa Hooker khẳng định: "Tăng lương không đuổi kịp lạm phát, buộc các 'thượng đế' phải cân nhắc lại thói quen tiêu dùng."

[Phát triển bán hàng trực tuyến cho ngành vật liệu xây dựng]

Thêm vào đó, các hãng bán lẻ ngày càng cảm nhận được những tác động từ trào lưu "shopping online" do nhiều khách hàng bắt đầu cảm thấy tiện lợi hơn với hình thức mua bán minh bạch về giá cả, tin cậy về giao hàng mà các nhà mạng đưa ra.

Cũng do sự phát triển vũ bão của Internet, tập đoàn bán lẻ Shop Direct của Anh tuyên bố sẽ đóng cửa 3 cửa hàng tại Manchester kể từ giữa năm 2020 mặc dù quyết định này khiến 2.000 người mất việc làm.

Tập đoàn Shop Direct, chủ nhân của 2 trang mạng Very.co.uk và Littlewoods.com tuyên bố sẽ chuyển các hoạt động bán hàng sang hệ thống cửa hàng tự động hóa tại East Midlands, vùng công nghiệp hóa ở miền Trung nước Anh.

Tuy nhiên, theo PwC, các tiệm làm móng tay, cửa hiệu cà phê, hiệu sách và quán rượu bia vẫn nở rộ do những ngành hàng này đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng mới mẻ, thậm chí tạo ra nhiều điều mà các nhà mạng không thể gắn kết được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục