Áo, Tây Ban Nha quyết định "thắt lưng buộc bụng"

Thủ tướng Áo nói gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không phải là hình thức áp thuế đại trà, mà nhằm đảm bảo sự cân bằng xã hội.

Ngày 10/2, Chính phủ Áo đã thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm cân bằng ngân sách nhà nước với mục tiêu cụ thể là hạn chế chi tiêu và tăng thuế nhằm thu về 26,5 tỷ euro (khoảng 35 tỷ USD) trong 5 năm tới.

 

Để tiết kiệm chi tiêu, chính phủ sẽ thực hiện những cắt giảm đáng kể đối với người nhận trợ cấp, người nhận lương hưu và các quan chức trong khu vực nhà nước; song song với việc áp dụng chính sách thị trường mới, điều chỉnh các hoạt động tài trợ và quản lý, cải cách hệ thống y tế và phối hợp với nỗ lực của các chính quyền địa phương.

 

Chính phủ cũng sẽ tăng nhiều sắc thuế, bao gồm thế thu nhập cơ bản, thuế phân bổ lại, thuế lũy tiến đối với người có thu nhập cao và thuế giao dịch tài chính.

 

Thủ tướng Áo Werner Faymann cho biết gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không phải là hình thức áp thuế đại trà, mà nhằm đảm bảo sự cân bằng xã hội. Bộ trưởng Tài chính Maria Fekter bày tỏ hy vọng quốc gia này sẽ khôi được mức xếp hạng uy tín AAA, sau khi hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) tháng trước hạ mức xếp hạng này của Áo.

Các đối tác trong liên minh cầm quyền, gồm đảng Xã hội Áo (SPOe) và đảng Nhân dân Áo (OeVP), tin tưởng mục tiêu cân bằng ngân sách nhà nước sẽ đạt được trước năm 2016.

 

Tại cuộc họp nội các cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha quyết định giảm mức tiền tối đa các chủ lao động phải thanh toán cho người làm công khi kết thúc hợp đồng như một nỗ lực cải cách thị trường lao động.

 

Quyết định trên là cải cách lớn thứ ba được Madrid công bố trong 2 tuần qua nhằm tìm ra "liều thuốc giải độc" cho tình trạng bất ổn kinh tế ngày càng sâu sắc ở "xứ sở bò tót" và tình trạng tỷ lệ thất nghiệp hiện lên mức cao nhất trong số các nước phát triển.

 

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp Nội các, Bộ trưởng Việc làm Fatima Banez cho biết mục tiêu của chính phủ là chống thất nghiệp và quyết định trên giúp giới chủ dễ thuê nhân công hơn, đặc biệt là lao động trẻ dài hạn.

 

Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha hiện lên tới gần 23% lực lượng lao động, gấp đôi mức trung bình của châu Âu. Một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân một phần do phí thanh toán tối đa quá cao, khiến giới chủ hạn chế thuê nhân công.

 

Số khác nhận định nguyên nhân thực sự do sự khác biệt lớn trong thị trường lao động giữa một bên là các hợp đồng dài hạn được thương lượng tập thể với mức thanh toán cao, và một bên là những nhân công tạm thời không nhận được nhiều sự bảo hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục