Áp dụng khoa học kỹ thuật vào đấu tranh với tội phạm về ma tuý

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh khẳng định lực lượng Bộ đội Biên phòng sẽ nỗ vượt qua mọi khó khăn, mất mát để ngăn chặn các đối tượng tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới vào Việt Nam.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thàng Tín (Hà Giang) tuần tra, kiểm soát địa bàn được giao phụ trách. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thàng Tín (Hà Giang) tuần tra, kiểm soát địa bàn được giao phụ trách. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Dù có mất mát, hy sinh nhưng vì cuộc sống bình yên, lực lượng Bộ đội Biên phòng vẫn vượt mọi hiểm nguy để ngăn chặn các đối tượng tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới vào Việt Nam tiêu thụ hoặc trung chuyển đi nước thứ ba.

Đó là khẳng định của Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN nhân dịp 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2023) và 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2023).

- Thưa Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, tình hình ma túy thẩm lậu vào Việt Nam đang diễn biến phức tạp khi lượng ma túy không chỉ được tính là hàng chục bánh mà tính bằng tạ, bằng tấn. Thực tế này đang nói lên điều gì về hoạt động của tội phạm ma túy, nhất là tại khu vực biên giới?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Có thể nói là tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và trong khu vực diễn ra rất phức tạp còn Việt Nam đang là một trong những nước chịu tác động, ảnh hưởng của khu vực Tam Giác Vàng.

Theo tài liệu của tổ chức quốc tế, riêng năm 2022 vùng Tam Giác Vàng đã sản xuất số lượng ma túy lên đến khoảng 780 tấn heroin và khoảng 20 tấn ma túy tổng hợp. Ngoài ra còn sản xuất nhiều các loại ma túy phục vụ cho các đối tượng sử dụng khác nhau. Việt Nam lại có vùng tiếp giáp với biên giới của các nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc. Đây cũng là điều kiện để chịu tác động, ảnh hưởng đến tình hình mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy trên địa bàn.

Việt Nam lại có vị trí địa chính trị hết sức thuận lợi. Với đường biên giới dài trên 8.000 km, trong đó đường biên giới trên bộ dài hơn 4.900 km, đường biên giới trên biển là hơn 3.200 km nên rất thuận lợi trong vận chuyển, giao thương giữa Việt Nam đi các nước trong khu vực.

Một vấn đề nữa là Việt Nam có người sử dụng ma túy lớn, đặc biệt là khu vực biên giới. Do vậy, đây cũng là điều kiện để tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba, ngoài ra còn có một số để sử dụng trong nước. Tình hình này đã ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan tới tội phạm ma túy ở trong nước.

[Quyết liệt ngăn chặn ma túy trên tuyến biên cương Tây Bắc]

Trong bối cảnh đó, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và Bộ đội Biên phòng cũng được Chính phủ giao làm nhiệm vụ chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Năm 2022, Bộ đội Biên phòng đã đấu tranh thành công 109 chuyên án, thu giữ số lượng tang vật lên đến trên 1 tấn ma túy các loại. Đáng chú ý là trong năm vừa qua, số vụ và số đối tượng có giảm nhưng số lượng ma túy lại rất lớn. Đặc biệt là quá trình đấu tranh phá được nhiều chuyên án lớn, thu được lượng ma túy lớn, có những chuyên án lên đến hàng trăm bánh heroin và hàng gần triệu viên ma túy tổng hợp.

- Thưa Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, các đối tượng tội phạm đã, đang tìm mọi thủ đoạn để thẩm lậu ma túy vào Việt Nam. Trong cuộc chiến này, người lính biên phòng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, Thiếu tướng có thể chia sẻ về điều đó?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Địa bàn mà Bộ đội Biên phòng đóng quân chủ yếu là khu vực biên giới, hải đảo. Đây là những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội còn rất khó khăn, đặc biệt là nhân dân hai bên biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì đồng bào có điều kiện kinh tế khó khăn nên rất dễ bị đối tượng lợi dụng.

Vấn đề nữa là điều kiện thời tiết, khí hậu ở khu vực biên giới rất khắc nghiệt. Các đối tượng tội phạm đã lợi dụng những điều kiện như vậy để vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Các đối tượng cũng triệt để lợi dụng các chính sách về lưu thông hàng hóa để đột lốt hàng hoá, vận chuyển ma túy qua các cửa khẩu, cảng biển để đi nước thứ ba.

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào đấu tranh với tội phạm về ma tuý ảnh 1Những bước chân không mỏi của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải (Điện Biên) góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới của Tổ quốc. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chúng tôi đã xác định, khu vực biên giới vừa là địa bàn trọng điểm khó khăn, phức tạp nhưng đồng thời cũng là nơi mà các đối tượng tội phạm lợi dụng. Do vậy, chúng tôi đã luôn luôn xác định nâng cao bản lĩnh chính trị cho lực lượng Bộ đội Biên phòng và lực lượng phòng chống ma túy của biên phòng nói riêng. Đồng thời, phải có về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe và lòng yêu nghề, sẵn sàng chiến đấu và nhận nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Thưa Thiếu tướng, phòng, chống tội phạm ma túy là nhiệm vụ chiến đấu. Mà đã là chiến đấu thì khó tránh khỏi những mất mát, hy sinh. Thiếu tướng có thể chia sẻ thêm, làm sao để phá thành công các chuyên án nhưng vẫn bảo đảm an toàn và hạn chế thấp nhất sự hy sinh?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Có thể nói đấu tranh chống tội phạm ma túy là một trong những trận chiến đấu khốc liệt. Với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đó là nỗi nguy hiểm của thời chiến. Còn trong thời bình hiện nay, đấu tranh chống tội phạm ma túy lại là trận chiến phức tạp và nguy hiểm.

Cũng xin thông tin từ năm 1997 đến nay, lực lượng công an và lực lượng biên phòng đã có trên 800 đồng chí đã hy sinh và bị thương. Trong đó, từ năm 2005 đến năm 2011, Bộ đội biên phòng có 50 đồng chí hy sinh và bị thương, trong đó có 8 đồng chí hy sinh và 42 đồng chí bị thương. Đây là những đau thương, mất mát đối với lực lượng quân đội nói chung, lực lượng công an và đặc biệt là lượng phòng, chống ma túy trong thời bình hiện nay nói riêng.

Từ tính chất nguy hiểm và cuộc chiến đấu gay go, quyết liệt này trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi luôn xác định tội phạm ma túy là một loại tội phạm nguy hiểm, manh động. Do vậy, khi tổ chức đấu tranh phải làm tốt công tác nắm tình hình về đối tượng, địa bàn rồi nắm về nhân thân của từng đối tượng, nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động và làm tốt công tác chuẩn bị.

Với công tác chuẩn bị thì phải thực hiện tốt sự chuẩn bị về các phương án đấu tranh, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và chuẩn bị về con người để tổ chức đấu tranh. Đồng thời, phải làm tốt công tác đảm bảo, nghĩa là đảm bảo về nơi tổ chức đấu tranh, đảm bảo cho lực lượng trực tiếp chiến đấu về phương tiện, công cụ, trang bị. Lực lượng đảm bảo an toàn cũng phải được làm tốt công tác chuẩn bị để sẵn sàng xử lý tình huống cần thiết khi xảy ra nếu chiến trong đấu với tội phạm ma túy có sự nguy hiểm.

- Dù có gian khổ, hy sinh nhưng vẫn có những chiến sỹ trẻ tình nguyện vào lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm của Bội đội Biên phòng. Ông nhìn nhận thế nào về tinh thần của các chiến sỹ trẻ ?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Chức năng của Bộ đội Biên phòng là nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và chủ trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Phòng, chống tội phạm về ma túy ở khu vực biên giới cũng là nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm được Chính phủ giao.

Thời gian qua, lực lượng phòng, chống ma túy luôn luôn phát triển và trưởng thành. Lực lượng luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, quân đội, các bộ, ngành, chính quyền và nhân dân giúp đỡ, ủng hộ. Vì thế, vẫn biết rằng đây là trận chiến đấu và đấu tranh với tội phạm nguy hiểm, song với tinh thần trách nhiệm của người lính thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm nên nhiều cán bộ, chiến sĩ của chúng tôi vẫn tình nguyện vào trong lực lượng này.

- Thực tế là tội phạm vẫn đang tìm mọi cách biến Việt Nam thành nơi trung chuyển ma túy. Vậy đứng trước tình trạng trên, thời gian tới lực lượng chức năng Bộ đội Biên phòng sẽ triển khai những biện pháp nào?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Xác định Việt Nam là một địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy có liên quan đến tác động, ảnh hưởng từ vùng Tam Giác Vàng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng đã quan tâm, chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng nói chung và lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy nói riêng thực hiện nhiều kế hoạch, triển khai nhiều chủ trương để nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy. Thực tế là chúng ta cũng đã tạo nên những địa bàn, khu vực biên giới thực sự trong sạch, thực sự là có đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, ngăn ngừa tệ nạn xã hội ở khu vực biên giới.

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào đấu tranh với tội phạm về ma tuý ảnh 2Đối tượng Vàng A Dơ bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa bắt giữ vì vận chuyển, tàng trữ ma túy. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhưng để làm tốt hơn nữa việc này thì chúng tôi tiếp tục quán triệt nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó là Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ là tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là nắm tình hình từ xa, từ ngoài biên giới để có biện pháp chủ động đấu tranh hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi chỉ đạo quyết liệt về công tác nghiệp vụ, nhất là công tác nghiệm vụ cơ bản là công tác nền tảng.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm hạn chế thương vong và giảm thiểu khó khăn cho bộ đội cũng sẽ được lực lượng tăng cường thực hiện hơn nữa.

Thời gian tới, chúng tôi cũng làm tốt công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy với các lực lượng ở trong nước và hợp tác với lực lượng ở nước ngoài, nhất là các nước láng giềng có đường chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc; đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị ở khu vực biên giới, nhất là các địa bàn trọng điểm về ma túy, vận động nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm và không tiếp tay cho tội phạm ma túy. Cùng với đó là phải làm tốt công tác tuyên truyền, quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sỹ nhân dân biên giới, đảm bảo cho một biên giới được bình yên và an toàn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục