Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 10 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão số 7 ở khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Dự báo từ 10 giờ ngày 14/10 đến 22 giờ ngày 14/10, bão số 7 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền từ Thái Bình đến Nghệ An. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới lúc 22 giờ ngày 14/10, ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-60 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 50 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Từ 10 giờ ngày 14/10 đến 10 giờ ngày 15/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào. Vùng nguy hiểm do bão từ 10 giờ ngày 14/10 đến 10 giờ ngày 15/10 (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Vịnh Bắc Bộ, từ vĩ tuyến 17,5 đến vĩ tuyến 21,0 độ Vĩ Bắc. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 2-4 m. Khu vực ven biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa nước dâng do bão có thể cao 0,5 m. Ngày 14/10, trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
[Nhiều nguy hiểm từ bão số 7, áp thấp nhiệt đới mới lại xuất hiện]
Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ trưa 14/10 đến ngày 16/10 khu vực Đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Sáng 14/10, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế đang xuống. Mực nước lúc 7 giờ ngày 14/10, trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 2,19m, ở mức báo động 2; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn là 4,31m, dưới báo động 2 là 0,19m; sông Bồ tại Phú Ốc là 3,75m, trên mức báo động 2 là 0,75m; sông Hương tại Kim Long là 2,23m, trên báo động 2 là 0,23m.
Dự báo, lũ các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế tiếp tục xuống. Chiều đến tối 14/10, mực nước trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,0 m, dưới mức báo động 2 là 0,2 m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn xuống mức 3,2 m, trên báo động 1 là 0,2 m; sông Bồ tại Phú Ốc xuống mức 3,1m, trên mức báo động 2 là 0,1 m; sông Hương tại Kim Long xuống mức 2,0 m, ở mức báo động 2. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...
Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền. Phải xác định, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
Các chuyên gia cho rằng những biện pháp phi công trình được kết hợp một cách hài hòa với biện pháp công trình, hỗ trợ biện pháp công trình sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc đối phó với lũ quét. Các biện pháp phi công trình bao gồm: Lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (xác định vùng nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét.
Quản lý sử dụng đất: Quy hoạch sử dụng vùng đất hạn chế phát triển trong vùng có nguy cơ lũ quét cao; các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây thì cần được quy hoạch lại, chính quyền cần lập kế hoạch tái định cư, đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất./.