APEC phản đối bảo hộ mậu dịch

Ngày 20/11, các Bộ trưởng ngoại giao và thương mại của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã ra tuyên bố chung cam kết "kiên quyết phản đối" bất kỳ quan điểm bảo hộ mậu dịch nào nảy sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, đồng thời thúc đẩy thương mại tự do và cởi mở.

Ngày 20/11, các Bộ trưởng ngoại giao và thương mại của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã ra tuyên bố chung cam kết "kiên quyết phản đối" bất kỳ quan điểm bảo hộ mậu dịch nào nảy sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, đồng thời thúc đẩy thương mại tự do và cởi mở.

Tuyên bố chung, được đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 20 của APEC, nhấn mạnh các nước và vùng lãnh thổ thuộc vành đai Thái Bình Dương bảo vệ "lập trường kiên định" chống lại mọi hình thức bảo hộ mậu dịch, đồng thời duy trì quá trình cải cách và tự do hóa, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư. Các bộ trưởng cũng cam kết APEC sẽ hoàn thành tốt vai trò trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Tuyên bố chung trên, đặt khuôn khổ cho Hội nghị cấp cao APEC sẽ diễn ra cuối tuần này ở Peru, cũng cam kết vào cuối năm nay sẽ tìm ra phương cách để dỡ bỏ các rào cản chính đang ngăn cản các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu, mở đường cho việc ký kết một hiệp định thương mại toàn cầu. Tuyên bố chung cảnh báo rằng việc áp đặt các rào cản thương mại để phản ứng với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay sẽ chỉ càng làm khủng hoảng trầm trọng thêm.

Tuyên bố nêu rõ, các nền kinh tế thành viên APEC được hưởng lợi lớn từ hệ thống thương mại đa phương trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do đó, Hội nghị Bộ trưởng APEC kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC ủng hộ việc làm sống lại Vòng đàm phán thương mại Doha được khởi động từ tháng 11/2001 tại thủ đô của Qatar.

Cũng trong tuyên bố chung, các Bộ trưởng ngoại giao, kinh tế và thương mại APEC khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với kế hoạch hành động của nhóm G-20 về ổn định hệ thống tài chính và kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, các bộ trưởng APEC cũng bày tỏ ủng hộ những nỗ lực của Nga gia nhập WTO./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục