APEC thúc đẩy ứng dụng CNTT đối phó với già hóa dân số

APEC thúc đẩy ứng dụng CNTT đối phó với thách thức già hóa dân số

APEC thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đối phó với những thách thức nhân khẩu học trong khu vực, nhất là khi tình trạng già hóa dân số đang gây áp lực mạnh mẽ lên ngân sách.
APEC thúc đẩy ứng dụng CNTT đối phó với thách thức già hóa dân số ảnh 1Nữ y tá chăm sóc một cụ già trên xe lăn tại nhà điều dưỡng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 19/6, tại Singapore đã diễn ra Hội thảo Quốc tế về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật do Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức, thu hút sự tham dự đông đảo của quan chức chính sách cấp cao và đại diện khu vực tư nhân đến từ các nền kinh tế thành viên diễn đàn.

Dẫn thông cáo báo chí của Ban Thư ký APEC, phóng viên TTXVN tại Jakarta cho biết hội thảo đã tập trung luận về cung cấp dịch vụ và tiếp cận tốt hơn thông tin và ICT nhằm nâng cao mức sống và tăng cường sáng tạo để đối phó với những thách thức nhân khẩu học trong khu vực, nhất là khi tình trạng già hóa dân số đang gây áp lực mạnh mẽ lên ngân sách và làm giảm sút lực lượng lao động.

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Kế hoạch chính sách chiến lược ICT thuộc Bộ Nội vụ và thông tin Nhật Bản, Yasushi Yoshida cho biết tỷ lệ già hóa dân số (tỷ lệ người già từ 65 tuổi trở lên trên tổng dân số) của nước này cao nhất trong các nền kinh tế phát triển và đang tiếp tục gia tăng.

Ước tính lực lượng lao động của Nhật Bản sẽ giảm 13 triệu người trong giai đoạn 2010-2030 và trên 30 triệu người vào năm 2050.

Ông Yoshida cho rằng các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần phải tăng cường hợp tác cùng thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số bằng cách khai thác phân tích dữ liệu cho việc tham gia nhiều hơn của công dân và nâng cao hơn nữa dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe vốn cần các nguồn tài chính và nhân lực lớn hơn trong những năm tới.

Trong khi đó, trưởng nhóm làm việc của APEC về thông tin và viễn thông Nur Sulyna Abdullah cho biết không chỉ các nền kinh tế phát triển mà cả các nền kinh tế đang phát triển cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.

Theo Liên hợp quốc, tỷ lệ già hóa ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore dự báo sẽ tăng từ 10% năm 2010 lên 30% vào năm 2050, còn ở Indonesia sẽ tăng tương ứng từ 5% lên 20%.

Ông cho biết APEC đang hợp tác để tận dụng lợi thế phát triển của ngành công nghiệp ICT, chẳng hạn như công nghệ điện toán đám mây, điện thoại thông minh... nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng của thay đổi dân số trong khu vực trong quá trình già hóa dân số này.

Theo giáo sư Toshio Obi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính phủ điện tử APEC tại Đại học Waseda, bằng cách tạo điều kiện cho nhiều người hơn, kể cả người cao tuổi và người khuyết tật tiếp cận ICT và tăng cường sử dụng dữ liệu công và tư, các nước có thể tạo ra môi trường không cần giấy tờ và giảm chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Kết luận cuộc hội thảo, tiến sỹ Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, nhấn mạnh các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cần nỗ lực để giải quyết thách thức kép từ già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm, nỗ lực phối hợp để mở rộng truy cập ICT và cải thiện cung cấp dịch vụ giúp nâng cao mức sống cho người cao tuổi, giảm gánh nặng cho người khuyết tật trong khu vực, và đồng thời mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp và các thế hệ doanh nhân tiếp theo.

Ông Bollard cho biết APEC sẽ chú trọng hơn nữa đến vấn đề tăng cường các dịch vụ chính phủ trực tuyến, bao gồm cả việc trao đổi các chiến lược và thực hành tốt nhất để tối ưu hóa cơ sở hạ tầng công nghệ, đẩy nhanh tốc độ xử lý văn phòng và sử dụng dữ liệu dựa trên đầu vào từ các công ty và công dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục