ASEAN 2020: Chia sẻ công nghệ giúp phòng chống COVID-19 hiệu quả

Thứ trưởng Thongphane Savanphet đánh giá đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN trong 6 tháng vừa qua, đặc biệt là đã dẫn dắt các nước ASEAN cùng hợp tác chống lại đại dịch COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Lào, ông Thongphane Savanphet tại cuộc phỏng vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Lào, ông Thongphane Savanphet tại cuộc phỏng vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN trong 6 tháng vừa qua và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Đó là nhận định của ông Thongphane Savanphet, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Lào trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn ngày 26/6.

Đánh giá về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Thứ trưởng Savanphet đã chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công hội nghị, đồng thời đánh giá cao khả năng dẫn dắt và tổ chức của Việt Nam.

Theo Trưởng SOM ASEAN của Lào, tại hội nghị lần này, lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi, thảo luận quan điểm về nhiều vấn đề, đặc biệt là việc ngăn chặn, quản lý và đối phó với sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó chú trọng tới việc làm thế nào để các nước ASEAN cùng hợp tác để giải quyết tác động của đại dịch COVID- 19.

Các kết quả nổi bật đạt được tại hội nghị gồm việc lãnh đạo ASEAN đồng ý thành lập Quỹ ASEAN để đối phó với dịch COVID- 19 lây lan; thành lập kho dự trữ thiết bị y tế để đối phó với dịch COVID- 19 và các bệnh nguy hiểm khác trong tương lai; đồng ý lên dự thảo kế hoạch của ASEAN nhằm khôi phục kinh tế hậu đại dịch COVID- 19.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ASEAN cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa các nước thành viên trong phòng chống COVID- 19 thông qua việc giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau; thảo luận về cách thức giải quyết những vấn đề cấp bách, đặc biệt là việc nới lỏng một số biện pháp phong tỏa trong thời gian qua, hỗ trợ, thúc đẩy các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID- 19, như ngành du lịch, ngành vận tải; giúp đỡ những người bị ảnh hưởng, đặc biệt là người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID- 19.

Theo Thứ trưởng Savanphet, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng thảo luận cách thức tăng cường sự gắn kết của Cộng đồng ASEAN trong bối cảnh khu vực và thế giới đang nảy sinh nhiều thách thức; thống nhất tiếp tục tập trung thực hiện tầm nhìn 2025 của ASEAN, đặc biệt là việc xây dựng 3 trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội, những trụ cột mà hiện tại, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đang tổ chức đánh giá kết quả giữa kỳ sau 5 năm thực hiện, xem đã làm được những gì và trong 5 năm tới ASEAN nên làm gì?

Bên cạnh đó, trước việc một số nước và khu vực đang muốn trở thành đối tác đối thoại và đối tác phát triển của ASEAN, các nhà lãnh đạo của ASEAN rất quan tâm tới việc làm thế nào để vừa mở rộng được quan hệ nhưng vẫn giữ được sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. 

[Đề xuất các biện pháp hành động để thúc đẩy ASEAN thời hậu COVID-19]

Ngoài ra, tại hội nghị, lãnh đạo ASEAN đã trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế mà các bên cùng quan tâm.

Theo Thứ trưởng Thongphane, mặc dù thời gian trao đổi lần này ngắn, nhưng các lãnh đạo ASEAN đã trao đổi một cách thẳng thắn và hiệu quả theo đúng mục tiêu đề ra như các cuộc họp khác. 

Về những ưu tiên của ASEAN trong 6 tháng cuối năm 2020, Trưởng SOM ASEAN của Lào cho biết ASEAN sẽ tập trung vào vấn đề cấp bách nhất đó là giải quyết những khó khăn đang nảy sinh trong khu vực, đặc biệt là vấn đề tác động của dịch COVID- 19 với đời sống nhân dân, với kinh tế-xã hội.

Theo ông, dịch COVID- 19 bùng phát đã khiến nền kinh tế khu vực suy giảm, hiện nhiều nền kinh tế trên thế giới đã tăng trưởng âm, do đó các lãnh đạo ASEAN coi đây là một vấn đề ưu tiên mà ASEAN nên cùng hợp tác. 

Ưu tiên thứ hai là tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng 3 trụ cột của ASEAN gồm trụ cột Chính trị-An ninh, trụ cột Kinh tế và trụ cột Văn hóa - Xã hội. Ưu tiên thứ 3 là ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN 2025, đây là điều rất quan trọng bởi nó sẽ giúp thúc đẩy sự đi lại của người dân và tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, ASEAN cũng sẽ ưu tiên cho Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI), làm sao để kinh tế của các nước thành viên ASEAN cũ và mới không có sự chênh lệch phát triển nhiều. 

Cũng theo Thứ trưởng Thongphane, một trong những ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế đó là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), làm thế nào để 15 nước có thể ký kết hiệp định này vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh những gì mà công nghệ thông tin đã làm được trong giai đoạn nhiều nước trên thế giới tiến hành phong tỏa do dịch COVID- 19 vừa qua đã cho thấy tầm quan trọng của ngành này, do đó ASEAN nên tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho công nghệ thông tin, làm thế nào để công nghệ thông tin giúp thúc đẩy, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho thời đại 4.0.

Các lãnh đạo ASEAN cũng rất quan tâm đến việc làm thế nào để các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và cạnh tranh được nhằm xây dựng ASEAN thành khu vực vừa có thể thu hút đầu tư của nước ngoài, vừa có thể cạnh tranh được với các khu vực khác.

Đề cập về những kỳ vọng của Lào đối với Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN trong 6 tháng còn lại của năm 2020, Thứ trưởng Savanphet một lần nữa đã chúc mừng Việt Nam, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN trong 6 tháng vừa qua, đặc biệt là đã dẫn dắt các nước ASEAN cùng hợp tác chống lại đại dịch COVID-19 cũng như trong các hoạt động khác.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tổ chức thành công các cuộc họp với các đối tác ngoài khu vực và đối tác đối thoại.

Trong 6 tháng còn lại của năm, Lào hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng cường sự gắn kết và vững mạnh trong ASEAN, đặc biệt là thực thi các ưu tiên khác nhau mà Việt Nam đã chuẩn bị, bao gồm việc thúc đẩy và bảo vệ hòa bình và ổn định tại khu vực; thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như trong quan hệ với các đối tác bên ngoài. 

Bên cạnh đó, theo Trưởng SOM ASEAN của Lào, việc làm thế nào để khôi phục lại kinh tế xã hội sau đại dịch COVID-19 tại khu vực là rất quan trọng bởi hiện tại, tình hình lây lan dịch bệnh tại nhiều nước trong khu vực đã giảm. Đây là vấn đề mà Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN sẽ tiếp tục tập trung dẫn dắt, điều phối để làm cho tốt.

Thứ trưởng Ngoại giao Lào cho biết tại cuộc họp cấp cao lần thứ 36 này, Lãnh đạo ASEAN cũng đã thống nhất với nhau nhiều vấn đề và ông hy vọng Việt Nam sẽ dẫn dắt ASEAN hiện thực hóa những vấn đề đó.

Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN bày tỏ tin tưởng dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN sẽ tiếp tục tiến tới và thực hiện thành công các sáng kiến và các thỏa thuận khác nhau mà các bên đã đưa ra trong năm nay.

ASEAN 2020: Chia sẻ công nghệ giúp phòng chống COVID-19 hiệu quả ảnh 1 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 10/6/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 26/6, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam đối phó thành công với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ông đồng thời khẳng định, để đưa nền kinh tế khu vực trở lại trạng thái bình thường, ASEAN cần tăng cường hợp tác và thúc đẩy những sáng kiến theo 3 cách thức.

Phát biểu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 theo hình thức trực tuyến cùng lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh việc chia sẻ công nghệ sẽ giúp ASEAN kiềm chế được dịch bệnh và ngăn chặn các làn sóng lây nhiễm trong tương lai.

Các nước trong khu vực có thể sử dụng Mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN để trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm trong việc sử dung công nghệ để chống dịch COVID-19.

Công nghệ sẽ tăng cường việc truy vết tiếp xúc. Ngoài ra, ASEAN cần hành động với tư cách là một khu vực và cùng với các đối tác để có được nguồn cung ổn định, công bằng và có thể tiếp cận thuốc điều trị và vắcxin khi chúng được sản xuất.

Các nước ASEAN cũng cần hợp tác để sản xuất và phân phối vắcxin. Điều này được xây dựng dựa trên Tuyên bố về an ninh và tự lực vắcxin ASEAN hồi tháng 11/2019 và sẽ giúp các nước ASEAN tránh được tình trạng thiếu vắcxin và cải thiện nguồn cung vắcxin đầy đủ và có chất lượng trên toàn khu vực. 

Cũng theo Thủ tướng Lý Hiển Long, các nước ASEAN cần ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hủy hoại nền kinh tế. Những hậu quả kinh tế do dịch bệnh sẽ còn kéo dài sau khi virus được không chế.

Các chính phủ trên toàn thế giới đã chi hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ việc làm, doanh nghiệp và nền kinh tế, nhưng không một nước nào có thể một mình duy trì dòng chảy thương mại hay các chuỗi cung ứng quốc tế.

Các nước phải hợp tác để tăng cường hệ thống thương mại quốc tế dựa trên nguyên tắc và duy trì sự kết nối của chuỗi cung ứng. Theo nhà lãnh đạo Singapore, ASEAN cần phải cho thế giới biết rằng các nước thành viên mở cửa với thương mại.

Với việc ngày càng nhiều nước trở nên hướng nội, một ASEAN mở cửa, ổn định và hội nhập sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đến khu vực. ASEAN cần dỡ bỏ an toàn những hạn chế đi lại hiện nay trong nội khối. ASEAN cũng cần sớm ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do thỏa thuận này sẽ thúc đẩy lòng tin góp phần phục hồi kinh tế. 

Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh cách thức các nước ASEAN đối phó với cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của ASEAN.

Ông cho rằng ASEAN phải kiên định theo đuổi các mục tiêu Cộng đồng ASEAN 2025, trong đó có hội nhập kinh tế khu vực và hợp tác đối phó với những thách thức xuyên biên giới kéo dài như biến đổi khí hậu, ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và tội phạm xuyên quốc gia.

Các nước trong khu vực cũng cần tiếp tục tăng cường vai trò trung tâm và sự đoàn kết trong ASEAN. Theo ông, đây là con đường để ASEAN trở thành một khu vực an toàn và thịnh vượng.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore ngày 26/6, bà Jessica Wau, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) nhận định cách xử lý ấn tượng với đại dịch COVID-19, mở cửa lại nền kinh tế tương đối sớm, đã mang lại cho Việt Nam khả năng hỗ trợ các nước khác, trong đó có các nước ASEAN.

Theo bà Jessica Wau, Việt Nam đã cho thấy cách xử lý ấn tượng đối với đại dịch COVID-19. Số ca lây nhiễm thấp và khả năng mở cửa lại nền kinh tế tương đối sớm đã mang lại cho Việt Nam khả năng hỗ trợ các nước khác, trong đó có các nước ASEAN.

Nếu không có làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ trong ASEAN nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, thông qua đối thoại có ý nghĩa và ưu tiên các nhu cầu trước mắt của khu vực. 

Nhận định về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, bà Jessica Wau cho biết hội nghị này đã bị trì hoãn do đại dịch COVID-19, nên hình thức họp trực tuyến là giải pháp tốt nhất trong tình hình hiện nay.

Cuộc họp trực tuyến đã cho thấy những cam kết về việc đối thoại thường xuyên trong ASEAN. Trong đối phó với đại dịch COVID-19 và tiến trình hồi phục kinh tế sau đại dịch, các cuộc trao đổi có tầm quan trọng hơn bao giờ hết, giúp các nước ASEAN cập nhật tình hình và cùng phối hợp hướng tới những giải pháp chung.

Để giúp các nước ASEAN phục hồi sau đại dịch, bà Jessica Wau khuyến nghị “không nên bỏ qua sự hội nhập ASEAN và việc thành lập các hành lang du lịch an toàn, đặc biệt vì mục đích kinh doanh, nên là trọng tâm trong tương lai” đối với các nước thành viên ASEAN.

Về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bà Jessica Wau nêu rõ ASEAN đã thông báo để ngỏ cơ hội cho Ấn Độ tham gia RCEP, nên quyết định có tham gia hiệp ước lớn về thương mại khu vực này hay không hoàn toàn tùy thuộc vào chính quyền New Delhi. ASEAN và các nước đối tác tiếp tục hy vọng Ấn Độ sẽ gia nhập vào giai đoạn sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục