'ASEAN cần gửi tín hiệu rõ ràng về cam kết tự do hóa thương mại'

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị AMM 51, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi các nước thành viên ASEAN gửi một tín hiệu rõ ràng về cam kết tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế.
'ASEAN cần gửi tín hiệu rõ ràng về cam kết tự do hóa thương mại' ảnh 1Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Nguồn: channelnewsasia.com)

Ngày 2/8, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51), Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kêu gọi các nước thành viên ASEAN gửi một tín hiệu rõ ràng về cam kết tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ông Lý Hiển Long bày tỏ hy vọng các nước sẽ hoàn tất Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại.

Thừa nhận các cuộc đàm phán sẽ không dễ dàng, song nhà lãnh đạo Singapore cho rằng ASEAN cần tiếp tục hỗ trợ phát triển thương mại đa phương dựa trên quy tắc và làm việc với các đối tác cùng chí hướng với mục tiêu tăng cường hợp tác.

[Các nước Đông Nam Á tìm kiếm thỏa thuận an ninh mạng với Nga]

Thủ tướng Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh ASEAN phải nắm bắt cơ hội của đổi mới và xây dựng kết nối kỹ thuật số để chuẩn bị cho người dân trong tương lai, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của các biện pháp bảo đảm an ninh mạng, lấy ví dụ điển hình là cuộc tấn công mạng Singhealth vừa diễn ra tại Singapore vào tháng trước.

Ông cho biết trên cơ sở đó, Singapore sẽ nâng cấp Trung tâm Hợp tác ASEAN tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhằm chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các đối tác.

RCEP, một sáng kiến thương mại tự do có sự tham gia của 16 quốc gia (gồm 10 nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) đã sẵn sàng để trở thành thỏa thuận thương mại tự do có quy mô lớn nhất trên thế giới, với gần một nửa dân số toàn cầu.

Trong khoảng thời gian 5 năm đàm phán kể từ năm 2013, dù các bên đã có những nỗ lực rất lớn song do RCEP là một hiệp định có nội dung quá rộng, trình độ phát triển của các nền kinh tế tham gia đàm phán rất khác nhau vì vậy yêu cầu về lợi ích cần đảm bảo cũng rất khác nhau, nên hiện vẫn còn những khác biệt.

Đến thời điểm hiện tại các bên mới chỉ nhất trí được 2 trong tổng số 18 lĩnh vực đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục