ASEAN tăng cường kết nối công nghệ, hướng tới tăng trưởng bao trùm

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-Campuchia năm 2024 với chủ đề “Giải phóng tiềm năng của ASEAN: Kết nối công nghệ và tăng trưởng bao trùm” thu hút hơn 450 đại biểu tham dự.

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Ngày 2/4, tại Thủ đô Phnom Penh, Phòng Thương mại Campuchia (CCC) phối hợp với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN BAC) và các bên liên quan tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-Campuchia năm 2024 với chủ đề “Giải phóng tiềm năng của ASEAN: Kết nối công nghệ và tăng trưởng bao trùm.”

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-Campuchia năm 2024 thu hút hơn 450 đại biểu là lãnh đạo cấp cao thuộc các bộ, ngành của Campuchia, Đại sứ, đại diện các cơ quan liên quan, ASEAN BAC, các doanh nghiệp quốc tế lớn tại Campuchia và ASEAN, cùng các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh lực.

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia (VCBA) tham dự sự kiện.

ttxvn_0204_ASEAN (4).jpg
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng (thứ tư, từ trái sang) tham dự sự kiện. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Chủ tịch CCC Neak Oknha Kith Meng cho biết hội nghị lần này được tổ chức trên cơ sở phát huy thành công của các Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN được tổ chức tại Phnom Penh vào năm 2012 và 2022, được xem là thời điểm quan trọng để giải phóng tiềm năng kinh tế giữa Campuchia và các quốc gia khác trong khối ASEAN.

Theo ông Neak Oknha Kith Meng, với tầm nhìn hợp tác và kết nối khu vực, chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-Campuchia năm 2024 tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm thúc đẩy kết nối hiệu quả, hỗ trợ đổi mới, số hóa thông qua công nghệ và đảm bảo tăng trưởng bao trùm, không bỏ ai ở lại phía sau.

Cho rằng kết nối là huyết mạch của sự thịnh vượng kinh tế, Chủ tịch CCC kêu gọi tìm cách xây dựng quan hệ kinh tế, hợp nhất thị trường, người dân và khát vọng của 10 quốc gia thành viên ASEAN, đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy đầu tư nhiều hơn để hoàn thành kết nối hệ thống truyền tải năng lượng trong ASEAN.

ttxvn_0204_ASEAN (3).jpg
Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN-Campuchia Neak Oknha Kith Meng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Theo ông Neak Oknha Kith Meng, sáng kiến này phù hợp với Hiến chương kết nối ASEAN, mang lại tiềm năng và những lợi ích to lớn, bao gồm tăng cường an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế cho khu vực.

Trên tinh thần đó, ông Neak Oknha Kith Meng bày tỏ kỳ vọng thông qua hoạt động hợp tác và kết nối xuyên biên giới, thúc đẩy đổi mới và số hóa thông qua công nghệ, khu vực tư nhân có thể giải phóng thêm nhiều tiềm năng cho khu vực, có quy mô vượt tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia thành viên.

Theo Kế hoạch hành động khung tích hợp kỹ thuật số ASEAN (DIFAP), chuyển đổi công nghệ kỹ thuật số có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế thông qua tính hiệu quả, năng suất và ý tưởng mới. Do đó, việc tăng cường số hóa hơn nữa được kỳ vọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ASEAN vượt mức 1.000 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.

ttxvn_0204_ASEAN (1).jpg
Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Tham dự và phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet cho biết Campuchia sẵn sàng là đối tác chiến lược của các doanh nhân, nhà đầu tư để nắm bắt các cơ hội kinh tế của ASEAN, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại nhằm xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN thích ứng, bền vững, bao trùm và cạnh tranh vì lợi ích chung của khu vực.

Người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia khẳng định Campuchia là đối tác năng động và hấp dẫn trong cộng đồng ASEAN. Cùng với vị trí chiến lược và lợi thế của mình, Campuchia mang đến sự kết nối liền mạch và hình thành một hệ sinh thái hợp tác mang lại lợi ích và thịnh vượng chung trong toàn khu vực.

Theo Thủ tướng Hun Manet, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đang xúc tiến thực hiện “Chiến lược quốc gia +1” thông qua hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, xây dựng các nhà máy tại Campuchia để cung cấp phụ tùng hoặc sản phẩm bán thành phẩm cho các nhà máy lớn ở các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN.

Bên cạnh đó, Campuchia cũng đang chú trọng đầu tư chiến lược vào mạng lưới cơ sở hạ tầng kết nối, bao gồm phát triển đường cao tốc, cảng nước sâu, sân bay quốc tế và trung tâm logistics hiện đại, nhằm thúc đẩy kết nối khu vực hiệu quả, thông suốt với các hành lang kinh tế trọng điểm ở Campuchia và khu vực ASEAN.

Những khoản đầu tư chiến lược đó sẽ giúp giảm chi phí hậu cần và tăng hiệu quả của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Campuchia, giúp khai thác tiềm năng to lớn của thị trường khu vực.

ttxvn_0204_ASEAN (5).jpg
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng (phải) tham quan một gian trưng bày bên lề hội nghị. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)

Sau phiên khai mạc, các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-Campuchia năm 2024 dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận xoay quanh các chủ đề trọng tâm của hội nghị như vấn đề kết nối hệ thống truyền tải năng lượng ASEAN, Campuchia - cửa ngõ của ASEAN, ứng dụng công nghệ phục vụ tăng trưởng bao trùm trong khu vực...

Ngoài ra, bên lề hội nghị còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp Campuchia và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục