ASEAN trợ giúp Myanmar xây dựng Luật Cạnh tranh

Ban thư ký ASEAN với sự hỗ trợ của Chính phủ Đức đã tổ chức một khóa đào tạo về Luật và Chính sách cạnh tranh dành cho các quan chức cấp cao Bộ Thương mại Myanmar.

Trong khuôn khổ nỗ lực giúp đỡ các nước thành viên gia nhập sau Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Ban thư ký ASEAN với sự hỗ trợ của Chính phủ Đức thông qua GIZ (Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit) đã tổ chức một khóa đào tạo về Luật và Chính sách cạnh tranh (CPL) tại Đại học Chiang Mai (Thái Lan) từ ngày 19-29/5 dành cho các quan chức cấp cao Bộ Thương mại Myanmar (MoC).

Khóa đào tạo đã cung cấp cho các quan chức tham gia những thực hành tốt nhất về vấn đề cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, trao đổi và thảo luận về các quy định của Luật cạnh tranh nói chung và dự thảo Luật cạnh tranh của Myanmar nói riêng, cũng như làm rõ các vai trò khác nhau của chính phủ, ngành tư pháp, khu vực tư nhân và xã hội dân sự trong việc thực hiện hiệu quả luật cạnh tranh.

Đây là những nội dung hết sức thiết thực và bổ ích cho các nhà quản lý Myanmar, nhất là khi tại nước này đang diễn ra các cuộc tham vấn quốc gia về dự thảo Luật cạnh tranh.

Tham gia khóa học, ngoài các quan chức MoC còn có đại diện từ Văn phòng Tổng Chưởng lý, Đại học Yangoon, Liên đoàn các Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar (UMFCCI).

Những người tham gia còn được Ban thư ký ASEAN giới thiệu cập nhật tiến độ hợp tác khu vực về chính sách cạnh tranh trong ASEAN.

Các nước thành viên ASEAN đã cam kết ban hành và thực hiện một chính sách cạnh tranh quốc gia vào năm 2015 như một phần cam kết của mình hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), và Nhóm chuyên gia ASEAN về cạnh tranh (AEGC) đã được thành lập năm 2007 như một diễn đàn khu vực để trao đổi kinh nghiệm về CPL.

Tuy nhiên, cho đến nay mới có năm nước thành viên có được một bộ Luật canh tranh toàn diện và Myanamar đang trong quá trình soạn thảo.

Chính phủ Đức thông qua GIZ hiện đang tài trợ cho dự án “Luật và Chính sách cạnh tranh trong ASEAN " nhằm hỗ trợ các nước thành viên ASEAN, nhất là bốn nước gia nhập sau bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, ban hành và thực hiện các chính sách cạnh tranh kể từ năm 2011.

Theo Ban thư ký ASEAN, một khóa đào tạo tương tự sẽ được tiến hành vào tháng Bảy tới dành cho các cán bộ quản lý của Lào - nước hiện cũng đang chuẩn bị một Luật cạnh tranh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục