Australia đối mặt với "đại dịch" các bệnh tim mạch

Những mối quan ngại Australia đang đối mặt với một căn bệnh mạn tính có sức công phá như một "quả bom hẹn giờ" đang ngày càng tăng.
Những mối quan ngại rằng Australia đang đối mặt với một căn bệnh mạn tính có sức công phá như một "quả bom hẹn giờ" đang ngày càng tăng khi nghiên cứu mới nhất cho thấy xu hướng lạc quan trước đây về tỷ lệ người mắc cholesterol trong máu cao có thể đang diễn tiến theo chiều hướng ngược lại.

Việc đánh giá lại những xét nghiệm cholesterol được tiến hành trên tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Australia cho thấy có một sự giảm sút đáng khích lệ về nguy cơ mắc bệnh tim trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2008.

Tuy nhiên, sự cải thiện này đã "dậm chân tại chỗ" và giáo sư Simon Stewart, Chủ nhiệm bộ môn phòng ngừa các bệnh tim mạch tại Viện nghiên cứu tim mạch và béo phì Baker IDI ở Melbourne, cho rằng hiện có những quan ngại rằng số người bị cholesterol trong máu cao có thể tăng trở lại.

Bệnh cao máu được xác định khi lượng cholesterol trong một lít máu ở mức từ 5,5 millimole trở lên. Các kết quả xét nghiệm vào năm 2004 đối với gần 200.000 phụ nữ và nam giới Australia trong độ tuổi trung niên có nguy cơ bị đau tim cho thấy mức cholesterol trong máu trung bình là 5,3 mmol/L, thấp hơn chỉ số được coi là chính thức mắc bệnh cao huyết áp và tỷ lệ này giảm xuống còn 5,1 mmol/L vào năm 2008. Tuy nhiên, đến giữa năm 2009 đã tăng lên 5,15 mmol/L.

Tỷ lệ người bị béo phì và cao huyết áp ở Australia cũng đang tăng và giới khoa học lo ngại chỉ số cholesterol bình quân tăng lên sẽ góp phần làm tình hình ngày càng xấu thêm.

Giáo sư Stewart cho rằng đây là một quả bom hẹn giờ trong tương lai và tất cả những số liệu vào thời điểm này cho thấy Australia có thể phải đối mặt với một "đại dịch" của các bệnh về tim mạch.

Các nghiên cứu cho thấy nếu một người giảm được lượng cholesterol trong máu ở mức 1 mmol/L thì sẽ giảm được hơn 20% nguy cơ bị lên cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Giáo sư Stewart chỉ rõ những người sống tại các bang Tasmania, Victoria và Nam Australia - vốn không phải là những khu vực bùng nổ về kinh tế - có lượng cholesterol trong máu tồi tệ nhất.

Theo ông, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể đóng một vai trò trong vấn đề này vì ngành công nghiệp sản xuất đồ ăn nhanh là ngành duy nhất đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Trong khi, những đồ ăn nhanh như McDonald hay KFC từ lâu đã được khẳng định là thủ phạm khiến tỷ lệ người béo phì tăng vọt./.

Đoàn Hùng/Sydney (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục