Australia khởi động đàm phán về kế hoạch của Mỹ áp thuế với thép, nhôm

Ngày 7/3, quan chức Australia bắt đầu khởi động các cuộc đàm phán với các nước cũng như các quan chức trong chính quyền Mỹ nhằm chống lại kế hoạch tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm.
Australia khởi động đàm phán về kế hoạch của Mỹ áp thuế với thép, nhôm ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thép tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 31/1 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/3, các quan chức cấp cao trong Chính phủ Australia đã bắt đầu khởi động các cuộc đàm phán với các nước cũng như các quan chức trong chính quyền Mỹ nhằm chống lại kế hoạch tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm vào thị trường Mỹ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngành xuất khẩu thép và nhôm trị giá 500 triệu AUD/năm của Australia vào thị trường Mỹ nhiều khả năng không được miễn trừ khi Mỹ áp thuế mới dù đất nước châu Đại Dương này là một đồng minh thân cận của Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết ông đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để đảm bảo hai đồng minh quân sự thân cận nhất này của Mỹ có thể gây sức ép, giúp đẩy lui kế hoạch thuế mới của Tổng thống Trump.

[Chính phủ Mỹ tuyên bố không tìm kiếm một cuộc chiến thương mại]

Ông Turnbull cũng cho biết đang đàm phán với một số nước khác có cùng quan điểm.

Tuy nhiên, Thủ tướng Turnbull cho biết trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Abe, ông vẫn nhấn mạnh về nỗ lực chung nhằm thúc đẩy Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ông nói: “Tôi và Thủ tướng Abe khẳng định CPTPP vẫn mở cửa cho Mỹ và các nước khác trong tương lai. Tương lai của chúng ta nằm ở các thị trường mở và trong một hệ thống thương mại dựa trên quy tắc vốn cho phép các nước cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.”

Trong khi đó, phát biểu khi đang ở New York của Mỹ, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop khẳng định Australia sẽ đẩy mạnh nỗ lực để Mỹ phải tính đến các lợi ích của quốc gia châu Đại Dương này.

Bà cho biết đã liên lạc với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson để bày tỏ mối quan ngại của Australia về vấn đề này.

Trước đó, vấn đề lo ngại các sản phẩm thép và nhôm của Australia không được miễn mức thuế mới khi vào thị trường Mỹ cũng đã được Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne thảo luận với người đồng cấp Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng Thương mại Steve Ciobo đề cập với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross.

Từ Đức, Liên đoàn Thép (WV Stahl) của nước này cảnh báo "những hậu quả nghiêm trọng" đối với ngành sản xuất thép của Đức và châu Âu nếu Mỹ áp dụng mức áp thuế nhập khẩu mới.

Cụ thể, mức thuế đề xuất của Tổng thống Trump sẽ làm giảm lượng thép của Đức và EU xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời đẩy các nước này vào vòng xoáy của chủ nghĩa bảo hộ.

Cùng ngày 7/3, một nhóm 18 quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hối thúc Tổng thống Trump hủy bỏ kế hoạch này.

Theo các nước này, kế hoạch của Nhà Trắng áp thuế đối với nhôm và thép viện cớ an ninh quốc gia là sự đe dọa mang tính hệ thống đối với thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, Canada bày tỏ quan ngại rằng Mỹ có thể đang mở ra một cuộc chiến mà không thể khép lại.

Các nền kinh tế hàng đầu thế giới tuyên bố sẽ tự bảo vệ mình trước động thái trên của Mỹ, trong đó có việc thưa kiện tại WTO.

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố có thể miễn áp dụng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của các nước Mexico, Canada và một số nước khác.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết việc miễn trừ thuế mới sẽ được xem xét và thực hiện trên cơ sở “từng trường hợp một” và “từng quốc gia một.”

Quyết định này cho thấy sự điều chỉnh trong chính sách của Tổng thống Donald Trump khi chỉ vài ngày trước đó, Nhà Trắng khẳng định sẽ không có trường hợp miễn trừ đối với việc áp mức thuế mới.

Tổng thống Trump dự kiến sẽ đưa ra thông báo cuối cùng vào 3 giờ 30 phút sáng 9/3 (theo giờ Hà Nội) về kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm vào nước này.

Các quan chức Mỹ đang làm việc để đưa các nước vào danh dách áp dụng thuế mới, giúp Tổng thống Trump linh hoạt trong việc chấp thuận việc miễn trừ cho một số nước nhất định.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ đảng Cộng hòa và các tập đoàn kinh tế lên tiếng phản đối và cảnh báo những tác động tiêu cực từ việc áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm cùng những nguy cơ về một cuộc chiến thương mại.

Trước đó, ngày 6/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng để ngỏ khả năng miễn thuế thép và nhôm nhập từ Canada và Mexico nếu Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới giữa nước này với hai quốc gia làng giềng trên được ký kết.

Trong khi đó, kế hoạch của Mỹ nâng mức áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu tiếp tục vấp phải sự phản đối trên thế giới.

Cùng ngày 7/3, Trung Quốc đã dẫn dầu một nhóm 18 quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hối thúc Tổng thống Trump hủy bỏ kế hoạch này.

Lời kêu gọi trên được đưa ra tại phiên họp Đại hội đồng của WTO.

Cùng tham gia nỗ lực này của Trung Quốc có Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Canada và Nga.

Đại diện của Trung Quốc cho rằng ý định áp thuế như vậy đối với nhôm và thép viện lý do an ninh quốc gia là sự đe dọa mang tính hệ thống đối với thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, Canada bày tỏ quan ngại rằng Mỹ có thể đang mở ra một cuộc chiến mà không thể khép lại.

Các nền kinh tế hàng đầu thế giới tuyên bố sẽ tự bảo vệ mình trước động thái trên của Mỹ, trong đó có việc thưa kiện tại WTO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục