Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Australia vừa kết thúc Tuần lễ Tái chế quốc gia với nhiều hoạt động tích cực của doanh nghiệp và người dân nhằm khuyến khích hoạt động tái chế, hạn chế tối đa rác thải và kiểm soát tốt nguồn nhiên liệu, góp phần bảo vệ môi trường.
Trong tuần lễ này, một loạt doanh nghiệp, tập đoàn trong các lĩnh vực như điện, điện tử, giấy, điện thoại, thảm... đã kêu gọi người dân dọn những đồ cũ đã hỏng hoặc không còn sử dụng đem đến các cơ sở thu gom gần nhất. Các công ty cam kết sẽ tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng, không đem bán lại sản phẩm khi chưa tái chế. Các thùng rác tái chế của các hộ gia đình, tập thể cũng tích cực được thu dọn, gom đồ trong những ngày này.
Tại các trung tâm, điểm vui chơi công cộng, nhiều hoạt động kêu gọi thu gom, trao đổi đồ dùng đã qua sử dụng như điện thoại, quần áo, giày dép, đồ chơi... cũng diễn ra tấp nập. Đây được coi là việc làm nâng cao ý thức người dân một cách hiệu quả và kinh tế nhất, theo kiểu “cũ người mới ta,” giảm tối đa lượng rác thải các loại. Người không có hàng để đổi có thể trả một ít tiền gọi là để lấy món hàng mình cần. Số đồ còn lại sẽ được đem đi tái chế.
Tại Australia có rất nhiều rác thải, đặc biệt là rác thải điện tử. Nhiều khi chúng được vứt bỏ ngay bên lề đường, sau đó được chuyển tới bãi tập kết, nhập với một số lượng khổng lồ rác thải điện tử khác đã bị vứt bỏ trong vài thập kỷ qua.
Thống kê của cơ quan chức năng Australia cho thấy trong năm 2011-2012, chỉ 10% trong số 29 triệu máy tính và TV bỏ đi được tái chế.
Trong khi đó, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết Australia là một trong những nước thải nhiều rác nhất tính trên đơn vị đầu người, với 2,25kg rác/người/ngày. Chính vì vậy, bên cạnh việc thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, Australia cũng đang tích cực vận động để nâng cao ý thức của người dân về tác dụng của việc tái chế đồ cũ đối với kinh tế đất nước và môi trường toàn cầu.
Tháng 11/1996, tổ chức môi trường phi lợi nhuận Planet Ark đã sáng lập ra Tuần lễ tái chế quốc gia nhằm nêu bật lợi ích của hoạt động tái chế đối với môi trường. Đến nay, chiến dịch nâng cao nhận thức này vẫn tiếp tục phát huy tác dụng, một mặt khuyến khích các sáng kiến tái chế trong cộng đồng và ngành công nghiệp, mặt khác nhắc nhở người dân hạn chế tối đa rác thải và kiểm soát nguồn nguyên liệu một cách có trách nhiệm tại nhà, nơi làm việc và trường học.
Bên cạnh đó, Australia cũng có các website cung cấp địa chỉ tái chế, hướng dẫn tái chế tại nhà, tại nơi làm việc và tái chế trong kinh doanh./.