Ba phương án xử lý ‘lùm xùm’ dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới

Nhà đầu tư dự án BOT tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100 vừa có báo cáo 3 phương án xử lý để tháo gỡ khó khăn và thực hiện thu phí tại dự án này.
Ba phương án xử lý ‘lùm xùm’ dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới ảnh 1Dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới. (Ảnh: Cienco 4 cung cấp)

Liên danh nhà đầu tư (CIENCO 4-Tuấn Lộc-Trường Lộc) dự án BOT tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100 vừa có báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải 3 phương án xử lý để tháo gỡ khó khăn và thực hiện công tác triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án này.

Dự án được Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2017. Tuy nhiên, do người dân phản ứng về vị trí đặt trạm thu phí Bờ Đậu trên Quốc lộ 3 cũ (Thái Nguyên) và mức thu phí, cùng với việc ảnh hưởng “domino” của các dự án BOT khác, dự án đã không được triển khai thu phí, mặc dù đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng gần 1 năm.

[Xung quanh tranh cãi xóa bỏ trạm thu phí BOT Bờ Đậu ở Thái Nguyên]

Để có cơ sở giải quyết vấn đề hoàn vốn cho dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới, Liên danh nhà đầu tư kiến nghị và đưa ra các phương án nhằm giảm khó khăn cho nhà đầu tư.

Cụ thể, phương án 1: Cho triển khai ngay việc thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ cả 2 trạm như phương án tài chính của hợp đồng BOT và giảm giá dịch vụ như đã thống nhất giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên và nhà đầu tư, toàn bộ các phương tiện thuộc địa bàn huyện Đại Từ và một số phương tiện các địa phương lân cận được giảm giá tối đa, phạm vi giảm giá tính toán trong phạm vi khoảng cách đến trạm là 30Km.

Theo tính toán sơ bộ, trường hợp giảm giá theo phương án này, thời gian hoàn vốn tăng khoảng hơn 4 năm (tổng thời gian hoàn vốn khoảng 20 năm).

Phương án 2: trước mắt cho phép thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ ngay tại trạm Km72+930 trên tuyến Thái Nguyên-Chợ Mới (Quốc lộ 3 mới) để xác định chính xác dòng tiền của tuyến Quốc lộ 3 mới, xem xét đến mức độ ảnh hưởng đến dự án và xác định giá trị Nhà nước cần hỗ trợ cho nhà đầu tư.

Trường hợp doanh thu thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư theo như tính toán tại phương án tài chính trong hợp đồng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét phối hợp cùng nhà đầu tư trình cơ quan chức năng có liên quan và Chính phủ hỗ trợ cho nhà đầu tư về cơ chế, chính sách đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Phương án 3: Nhà nước dùng vốn ngân sách để mua lại dự án.

Trước đó, tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất 2 phương án lên Bộ Giao thông Vận tải giải quyết những vướng mắc về trạm thu phí tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới.

Theo đó, phương án 1 bỏ trạm thu giá dịch vụ đường bộ tại trạm Km77+922,5 trên Quốc lộ 3 cũ, cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện mở rộng cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên và thu giá dịch vụ để hỗ trợ cho dự án Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100.

Phương án 2 giữ nguyên vị trí trạm thu giá dịch vụ đường bộ tại trạm Km77+922,5 trên Quốc lộ 3 như hiện nay, bổ sung nâng cấp cải tạo Quốc lộ 37, đoạn Bờ Đậu-Đèo Khế và giảm giá sử dụng dịch vụ tại trạm thu giá Km77+922,5 và kiến nghị trình ưu tiên phương án 1.

Trong trường hợp không được Chính phủ chấp thuận, nhà đầu tư sẽ triển khai phương án 2.

Dự án đầu tư tuyến đường Thái Nguyên-Bắc Kạn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 dài 65Km, trong đó, đoạn Thái Nguyên-Bắc Kạn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, dài 40Km, bề rộng nền đường 12m. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng đầu tư theo hình thức BOT.

Dự án được khởi công từ tháng 9/2014, thông xe từ tháng 3/2017 và được Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2017.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư, trước đó, tỉnh Thái Nguyên cũng thống nhất với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải đặt 1 trạm thu phí chính trên tuyến Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn) và 1 trạm thu phí phụ đặt trên Quốc lộ 3 cũ (trạm Bờ Đậu)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục