Hàng loạt những tồn tại của dự án BOT giao thông được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra và yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm tại các dự án BOT đường bộ.
Liên Bộ chịu trách nhiệm
Nhấn mạnh việc thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức hợp đồng BOT là đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quá trình triển khai thực hiện các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT còn tồn tại nhiều hạn chế cần được khắc phục.
[Thứ trưởng Bộ Giao thông nói về bài học kinh nghiệm làm đường BOT]
Đa số các dự án tập trung trong lĩnh vực đường bộ theo phương thức cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu nên chưa bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia giao thông. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Ngoài ra, chính sách chưa ổn định gây khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
“Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn bất cập, thiếu minh bạch, công tác thiết kế, dự toán còn sai sót và chưa chặt chẽ làm tăng giá trị dự toán công trình. Hầu hết các dự án đều chỉ định thầu nhưng nhiều nhà đầu tư, nhà thầu nguồn lực hạn chế dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình gây thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư,” báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án gặp nhiều vướng mắc, làm tăng chi phí và ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện. Các dự án thi công, giám sát và quản lý chất lượng công trình bị buông lỏng dẫn đến nhiều dự án chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu; việc quyết toán công trình còn khó khăn, kéo dài và thiếu chế tài xử lý nghiêm đối với nhà đầu tư chậm quyết toán.
Hơn nữa, các quy định của pháp luật và thực tế triển khai về thu phí (giá) sử dụng dịch vụ đường bộ, vị trí đặt trạm thu phí còn chưa hợp lý dẫn đến việc một số dự án gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc quy định, thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về dự án còn bất cập.
Chỉ ra các nguyên nhân yếu kém trong việc thực hiện dự án BOT đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án do Bộ quyết định đầu tư. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc ban hành Thông tư hướng dẫn việc thu phí (giá thu phí, thỏa thuận vị trí đặt trạm thu phí và quy trình giám sát thu phí) chưa hợp lý…
Cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chịu trách nhiệm về những hạn chế, vi phạm của dự án do địa phương quyết định đầu tư và việc chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc lựa chọn dự án, thỏa thuận vị trí đặt trạm thu phí, bảo đảm an ninh trật tự, giải phóng mặt bằng chậm.
12 tồn tại và sai sót
Là người trực tiếp tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trong báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội về BOT cũng đã chỉ ra 12 tồn tại cũng như sai sót của từng dự án BOT và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết về giám sát BOT.
Trong số 78 dự án BOT triển khai, ông Kiên nhìn nhận chỉ có 6-8 dự án mà người dân đang phản ứng còn lại không thấy đề cập đến 72 các dự án BOT đang hoạt động tốt. Vì vậy, theo quan điểm của ông đây là mâu thuẫn lợi ích giữa doanh nghiệp BOT với doanh nghiệp vận tải chứ không phải người dân, nhưng nhiều người lại thích nói là “người dân phản ứng”.
Đưa ra dẫn chứng, khi đi từ Hà Nội-Hải Phòng, đoàn giám sát đã yêu cầu lấy phiếu điều tra tất cả các doanh nghiệp vận tải khách chạy tuyến này, trong đó kết quả 80% các đơn vị chạy cao tốc bởi hành khách yêu cầu đường cao tốc, nếu đi đường cũ thì khách không đi.
[Bộ Giao thông sẽ giảm mức phí BOT hàng loạt trạm trên cả nước]
“Đa số trước khi lên xe, khách đều hỏi nhà xe nào chạy đường cao tốc vì từ bến xe Tam Bạc-Hà Nội chỉ mất 1 tiếng 45 phút, thậm chí có xe Limousine 9 chỗ đi rất nhanh trong khi đi đường Quốc lộ 5 mất tới hơn 3 giờ. Dù nhà xe nâng giá vé 180.000 đồng/vé người nhưng khách vẫn đi vì tiết kiệm thời gian ngồi xe. Khi nâng giá, nhà xe vẫn có lãi nhưng không ai nói đến vấn đề này mà lại chỉ phản ứng việc giá vé cao ở các trạm BOT,” ông Kiên nêu lên vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các nước trên thế giới cũng có BOT giao thông và làm rất tốt nhưng ở nước ta do quản lý yếu kém, tiêu cực làm các dự án BOT có vấn đề, khiến cho cả dự án tốt cũng bị ảnh hưởng xấu.
Chỉ làm tuyến đường mới
Đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách dự án BOT giao thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điếm, vi phạm.
Chính phủ nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ cho hình thức đầu tư này như tiêu chí lựa chọn dự án và nhà đầu tư, quy định mức vốn chủ sở hữu, chế tài xử lý đối với các nhà đầu tư chậm quyết toán, quy định về cơ chế tham vấn trước khi quyết định đầu tư và việc người sử dụng dịch vụ phản hồi việc cung cẩp dịch vụ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước…
[Nghị quyết về đầu tư, khai thác công trình theo hình thức BOT]
Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT phải lựa chọn đầu tư các dự án giao thông theo thứ tự ưu tiên phù hợp, chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa chỉ định thầu; có giải pháp phù hợp huy động vốn trong nước và nước ngoài; rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ…
Từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu giá dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến Quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước./.