Thứ trưởng Bộ Giao thông nói về bài học kinh nghiệm làm đường BOT

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát tất cả các trạm thu giá BOT trên toàn quốc, có chính sách miễn, giảm giá hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Giao thông nói về bài học kinh nghiệm làm đường BOT ảnh 1Bộ Giao thông Vận tải đang rà soát tất cả các trạm thu giá BOT trên toàn quốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để khắc phục bất cập tại các trạm thu phí BOT, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát tất cả các trạm thu giá BOT trên toàn quốc, có chính sách miễn, giảm giá hợp lý.

Làm BOT mà hợp đồng mẫu chưa có?

Tại buổi họp báo quý 3 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều nay (28/9), theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, sau hàng loạt sự việc xảy ra tại các trạm thu phí, Bộ đã đánh giá mặt được, chưa được, kinh nghiệm khi thực hiện dự án BOT. Và bài học rút ra đầu tiên đó là phải có hệ thống văn bản đồng bộ, đầy đủ.

“Việc triển khai thực hiện là đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề quản lý tổ chức thực hiện có vấn đề. Làm BOT mà hợp đồng mẫu của chúng ta chưa có, chưa bao quát được tất cả vấn đề,” Thứ trưởng Đông nói.

[Bộ Giao thông lên tiếng về xử lý bất cập tại các trạm thu phí BOT]

Một số dự án BOT chưa được đánh giá tác động xã hội, lựa chọn nhà đầu tư có giấy tờ chứng minh năng lực nhưng khi thực hiện phải thay giữa chừng vì năng lực kém. Ngoài ra, việc tính mức phí chưa đầy đủ về đơn giá dẫn đến phải điều chỉnh mức phí sau này, gây bức xúc cho xã hội.

Qua việc triển khai các dự án BOT thời gian qua, Thứ trưởng Đông cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã rút ra được bài học kinh nghiệm đồng thời kiến nghị phải xây dựng hệ thống luật pháp vì hiện nay có quá nhiều luật chi phối đầu tư nên dẫn chiếu không đồng bộ; quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân rõ ràng.

Thậm chí, theo ông Đông, có ý kiến cho rằng nên dừng triển khai các dự án BOT hoặc là vừa xây dựng dự án vừa chỉnh sửa văn bản quy phạm pháp luật.

“Luật chưa đủ, dưới luật có các cơ chế, chính sách. Luật chỉ quy định khung, còn về đầu vào, trượt giá phải có cơ chế, chính sách. Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là không dừng các dự án BOT nhưng đi kèm đó cần phải hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế thẩm quyền,” Thứ trưởng Đông chia sẻ.

Về trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, ông Đông cho rằng, Bộ có trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc thực hiện dự án BOT. Bộ chịu trách nhiệm vì đề xuất và phê duyệt việc đặt trạm BOT.

Đối với đường hiện hữu, trong thời gian tới Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị không làm BOT mà chỉ làm tuyến đường BOT mới và lấy ý kiến rộng rãi của các bộ ban ngành, địa phương, người dân, đánh giá tác động xã hội.

Đặt trạm phí và trả tiền là điều không ai mong muốn

Về vấn đề rà soát các dự án BOT để giảm mức phí và thời gian thu phí, theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng cục rà soát giảm phí các trạm BOT toàn quốc. Tổng cục đã có kế hoạch rà soát 50 trạm và đến nay Bộ chấp thuận miễn giảm 10 trạm cho người dân sinh sống gần trạm và 3 trạm đang báo cáo.

“Tất cả các trạm phí miễn, giảm giá vé này được Tổng cục đàm phán nhà đầu tư trên nguyên tắc về thời gian, tổng mức đầu tư và giá trị quyết toán đồng thời được phía ngân hàng xem xét,” ông Huyện thông tin thêm.

[Bộ Giao thông sẽ giảm mức phí BOT hàng loạt trạm trên cả nước]

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, việc đàm phán giảm phí là cả một quá trình không đơn giản vì hợp đồng BOT là hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước và chủ đầu tư nhưng có liên quan tới tổ chức tín dụng, tới các địa phương nên không phải mệnh lệnh hành chính, mà phải đàm phán.

“Khi miễn giảm phí cho người dân sống quanh trạm thì phải có vai trò của địa phương vì chỉ địa phương mới xác định người của khu vực đó, sau đó xác định miễn giảm,” Thứ trưởng Đông nhìn nhận.

Trả lời câu hỏi về việc đặt trạm BOT Cai Lậy có sai vị trí và có tính đến di dời hay mua lại trạm, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Đối tác công tư (PPP) bày tỏ quan điểm, trước khi đặt vấn đề có di dời trạm BOT Cai Lậy hay không thì cần phải xem xét việc đặt ở vị trí này là đúng hay sai.

“Việc đầu tư trạm dựa trên Pháp lệnh phí và và lệ phí, thứ hai là Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong đó, Thông tư số 159 nói rằng vị trí trạm thu phí nằm trong phạm vi dự án. Trạm thu phí Cai Lậy nằm trong phạm vi dự án,” ông Huy khẳng định.

[“Không có chuyện Nhà nước bỏ tiền ngân sách mua lại trạm phí Cai Lậy”]

Về kiến nghị di dời Trạm thu phí BOT Cai Lậy, vị Vụ trưởng PPP cho rằng, nếu di dời trạm thì Nhà nước phải mua lại dự án của nhà đầu tư nhưng hiện nay ngân sách Nhà nước khó khăn, hạn hẹp.

“Tại sao chúng ta phải làm BOT? Nếu có tiền thì đầu tư bằng ngân sách, nhưng do không có tiền trong bối cảnh nợ công cao, ngân sách phải cân đối nên mới huy động vốn từ các nhà đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải không có tiền mua lại trạm thu phí Cai Lậy,” ông Huy nói.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, chắc chắn đặt trạm thu phí và trả tiền là điều không ai mong muốn. Thế nhưng, giàu có như nước Mỹ cũng phải có quỹ để đầu tư phát triển hạ tầng, hay như Nhật thời gian gần đây mới dùng vốn ngân sách để mua lại một số trạm phí.

Để khắc phục, Bộ Giao thông Vận tải đã dừng triển khai các dự án BOT trên những tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư đối với các tuyến đường mới, đảm bảo người dân và chủ phương tiện có sự lựa chọn.

“Trường hợp dự án cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo phải tham vấn rộng rãi ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là Hội đồng Nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng,” Thứ trưởng Đông cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục