“Không có chuyện Nhà nước bỏ tiền ngân sách mua lại trạm phí Cai Lậy”

Nếu di dời trạm thu phí Cai Lậy, Nhà nước phải bỏ tiền ngân sách mua lại trạm để trả cho nhà đầu tư vốn vay ngân hàng “rót tiền” làm dự án.
“Không có chuyện Nhà nước bỏ tiền ngân sách mua lại trạm phí Cai Lậy” ảnh 1Trạm thu phí BOT Cai Lậy. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Liên quan đến vị trí trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang khẳng định “Nếu Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu di dời trạm phí mà không đủ phương án tài chính thì tốt nhất là trả tiền cho nhà đầu tư. Đặc biệt, địa phương có tiền mua lại trạm phí, đơn vị sẽ có tiền trả vốn vay ngân hàng và khỏi cần phải thu phí hoàn vốn.”

[Thứ trưởng Bộ Giao thông: Không tính đến chuyển trạm thu phí Cai Lậy]

Trao đổi bên lề buổi họp báo tại Bộ Giao thông vận tải chiều 17/8, theo ông Hào, sự việc xảy ra ở trạm BOT Cai Lậy không ai mong muốn, ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích của doanh nghiệp.

Về vị trí đặt trạm, ông Hào cho rằng, khi dự án phê duyệt khả thi đã tính toán bao gồm 26km tăng cường và 12km tuyến tránh nằm trong phạm vi thì mới khả thi về phương án tài chính hoàn vốn cho nhà đầu tư.

“Đặc biệt, trước khi đặt trạm, Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương để thống nhất vị trí đặt trạm trên cơ sở của phương án tài chính thì nhà đầu tư mới dám làm và tính toán lưu lượng xe đi qua có khả năng thu hồi vốn mới cho vay,” ông Hào bày tỏ chính kiến.

[Bộ GTVT đưa ra mức giảm giá vé trạm thu phí BOT Cai Lậy]

Đề cập đến việc giảm mức thu phí và khả năng di dời trạm, phía nhà đầu tư cho rằng, hiện nay doanh nghiệp chỉ biết trông chờ vào Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang xem xét giải quyết những bức xúc của người dân cũng như phải đảm bảo lợi ích của chủ đầu tư.

“Nhà đầu tư cũng chịu áp lực của bên vay vốn bởi đến hạn phải trả nợ lãi vay. Nhà đầu tư chẳng bao giờ muốn di dời trạm thu phí vì sẽ làm ‘đổ bể’ tất cả về phương án, kế hoạch ban đầu kinh doanh và trước khi quyết định đầu tư,” ông Hào giãi bày.

Đặt câu hỏi trong trường hợp Bộ Giao thông Vận tải chỉ trả tiền tăng cường mặt đường, ông Hào đưa ra quan điểm, nhà đầu tư thấy sẽ khó khăn vì trước đây vốn chủ đầu tư vay là tổng thể của cả dự án chứ không chỉ riêng về tuyến tránh này. Sau buổi họp này, nhà đầu tư sẽ ngồi lại với các đơn vị, ngân hàng do số vốn dự án chủ đầu tư bỏ ra chỉ hơn 16% vốn, còn lại là tiền của các tổ chức tín dụng.

“Nếu dự án BOT Cai Lậy phá sản thì không ai mong muốn. Nhà đầu tư sẽ làm việc với tổ chức tín dụng có gia hạn thời gian trả nợ hay không? Di dời trạm thu phí không bao giờ đáp ứng được phương án tài chính hoàn vốn nên buộc lòng phải giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên. Hơn nữa, doanh nghiệp dự án cũng là người dân nên có những nỗi niềm bức xúc riêng," ông Hào chia sẻ.

[Phó Chủ tịch Quốc hội: Tránh tái diễn vụ việc ở trạm thu phí Cai Lậy]

Theo ông Hào, trách nhiệm của tỉnh Tiền Giang quản lý trên địa bàn phải tuyên truyền vận động người dân, chủ phương tiện tham gia giao thông để họ hiểu tại sao phải thu mức phí cũng như vị trí đặt trạm ở đó.

Trả lời thẳng thắn về việc doanh nghiệp có kiện Bộ Giao thông Vận tải ra tòa nếu di dời trạm phí, ông Hào khẳng định đó là việc không ai mong muốn. Hợp đồng đề cập đến việc ra tòa nếu các bên không xử lý được với nhau. Nhà đầu tư cũng chỉ là doanh nghiệp, đầu tư cũng phải nghĩ đến thu hồi vốn và có lãi, cực chẳng đã mới phải thực hiện theo hợp đồng.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, với trạm Cai Lậy, không thể đơn thuần giải quyết bằng mệnh lệnh hành chính được mà còn căn cứ hợp đồng giữa các bên, bao gồm hợp đồng Bộ Giao thông Vận tải ký với nhà đầu tư, nhà đầu tư ký với tổ chức tín dụng.

“Thậm chí, nhà đầu tư thấy không thỏa mãn hợp đồng có thể khởi kiện lại cơ quan quản lý. Tất nhiên, đây là việc không ai muốn," Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi liệu Nhà nước có bỏ ngân sách ra để mua lại trạm thu phí Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, không có chuyện Nhà nước bỏ tiền ra mua lại.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Đông, việc đặt trạm thu phí căn cứ vào việc khảo sát một quá trình rất lâu và kỹ lưỡng, căn cứ vào phương án tài chính, phạm vi dự án. Tuy nhiên, trạm Cai Lậy đặt trên phạm vi của dự án nên sẽ không tính đến chuyển trạm thu phí Cai Lậy.

Ông Đông cũng khẳng định, vị trí đặt trạm phí đã được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến các bên liên quan từ địa phương, Bộ Tài chính, Hội đồng Nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội… với mục tiêu là hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư và có đường tốt hơn để lưu thông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục