Bà Phan Thị Thủy, một cư dân của Làng Việt Nam Thép POSCO, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, không giấu được sự cảm kích khi được hỏi về căn nhà bà và gia đình đang trú ngụ hiện tại.
Người phụ nữ 55 tuổi góa chồng này kiếm sống bằng nghề nuôi sò trên bãi biển. “Trước đây, tôi không có nơi ở, phải lang thang khắp nơi, ở nhờ nhà họ hàng. Nhờ POSCO, tôi đã có nơi ở ổn định và bắt đầu đi làm, kiếm được 5 triệu đồng mỗi tháng,” bà Thủy cho biết.
Bà Thủy cùng với chị gái, cháu gái, con trai và con dâu đã chuyển vào sinh sống ở Làng Việt Nam Thép POSCO từ tháng 6/2017 và "an cư lạc nghiệp" từ ngày đó.
“Người dân ở đây rất biết ơn POSCO và coi các công ty Hàn Quốc như những người bạn của mình,” bà chia sẻ.
Cùng với việc xây dựng nhà máy thép tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty POSCO đã xây dựng một ngôi làng gồm 104 ngôi nhà bằng thép trên diện tích 6.876m2 cho người dân địa phương không nơi nương tựa.
Dự án bắt đầu vào năm 2014 và kéo dài ba năm, được thực hiện nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, quỹ chia sẻ 1% lương do nhân viên công ty tự nguyện đóng góp và Chương trình Nhân cư Liên hợp quốc UN-Habitat.
Dự án này đã được vinh danh là chương trình xuất sắc thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong Báo cáo bền vững của Liên hợp quốc.
Chính quyền địa phương đã cung cấp đất và cơ sở hạ tầng, bao gồm nước, hệ thống thoát nước và điện, trong khi POSCO thanh toán chi phí xây dựng và nhân công, còn Tổ chức Hỗ trợ Gia cư Habitat hỗ trợ tư vấn.
Công ty cho biết PosMAC, một loại thép mạ hợp kim siêu chống ăn mòn được POSCO phát triển bằng cách trộn kẽm, nhôm và magie, được sử dụng làm vật liệu ngoại thất cho Làng Thép.
Tập đoàn thép Posco hợp tác với Honda sản xuất pin ôtô điện
PosMAC có khả năng chống ăn mòn cao gấp 5 lần so với thép mạ kẽm nhúng nóng thông thường và thường được gọi là “sắt không rỉ sét.”
POSCO mở văn phòng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1991, một năm trước khi Hàn Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đến nay, công ty đã đầu tư 3,8 tỷ USD (4.900 tỷ won) và tuyển dụng hơn 3.000 lao động tại 8 đơn vị trong lĩnh vực thép, thương mại, xây dựng, năng lượng và công nghệ thông tin.
POSCO cho biết họ đang tiến hành nhiều hoạt động đóng góp xã hội khác nhau ở Việt Nam, bao gồm cả Làng Thép, để cùng phát triển với cộng đồng địa phương.
Công ty cũng đã xây dựng một cây cầu thép ở thành phố Cần Thơ và những nhà chờ xe buýt bằng thép trên khắp tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Kể từ năm 2005, Quỹ POSCO Cheongam, do cố Chủ tịch danh dự Park Tae-joon thành lập, đã cấp học bổng trị giá 1.000 USD mỗi học kỳ cho 30 sinh viên mỗi năm, với tổng số 790 sinh viên.
Bắt đầu từ năm 2022, POSCO đã lựa chọn ba sinh viên đại học xuất sắc để tham gia với tư cách là sinh viên trao đổi hàng năm tại POSTECH.
Công ty cũng phối hợp với các tổ chức giáo dục địa phương để phát triển các chuyên gia trong ngành có trình độ cao.
Vào tháng Tám năm nay, POSCO đã ký Biên bản ghi nhớ với Đại học Vabis Tuệ Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực thép và tuyển dụng những sinh viên xuất sắc hoàn thành khóa đào tạo.
Năm 2018, POSCO tuyên bố triết lý quản lý “công dân doanh nghiệp” nhằm tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là một công ty toàn cầu.
Điều này có nghĩa POSCO sẽ hoàn thành vai trò và trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên của xã hội, chứ không chỉ với tư cách là nhà sản xuất và nhà cung cấp, bằng cách mang lại đặc tính “công dân” cho một “công ty.”
Ông Yoon Chang-woo, Chủ tịch POSCO Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của mình để tạo ra giá trị xã hội. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để giải quyết các vấn đề xã hội khác nhau và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn"./.