Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm vườn nhãn cổ

Vườn nhãn cổ trên trăm tuổi tại Bạc Liêu là vườn nhãn đặc biệt nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long, là niềm tự hào của người dân địa phương, điểm thu hút khách phương xa đến tham quan.
Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm vườn nhãn cổ ảnh 1 Khu vực vườn nhãn chạy dài 7km nằm trên địa bàn hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông. (Ảnh: Trọng Đạt/ TTXVN)

Thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, trong 9 tháng của năm 2023 khách du lịch đến tỉnh đạt trên 3,6 triệu lượt.

Bên cạnh tham quan, chiêm bái tại các khu, điểm du lịch tâm linh, tín ngưỡng, khách du lịch ngày càng quan tâm loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trong đó có mô hình tham quan vườn nhãn cổ trên trăm tuổi.

Những trải nghiệm thú vị

Khu vực vườn nhãn chạy dài 7km nằm trên địa bàn hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu với 3 giống nhãn gồm nhãn cổ, nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn. Dọc tuyến tỉnh lộ 38 là những vườn nhãn san sát đang vào độ chín.

Chị Lê Ngọc Nhi, du khách Thành phố Hồ Chí Minh đã đến Bạc Liêu nhiều lần nhưng lần nào cũng đến tham quan vườn nhãn.

Theo chị Nhi những năm gần đây, các chủ vườn nhãn tại thành phố Bạc Liêu đã đa dạng hóa loại hình dịch vụ, sản phẩm mang đến cho du khách nhiều lựa chọn để trải nghiệm.

Mặc dù thành phố có nhiều điểm du lịch sinh thái đang dần định hình thương hiệu nhưng việc thưởng lãm vẻ đẹp, cảm nhận sự yên bình, không khí trong lành dưới tán nhãn mang đến cho chị Nhi nhiều điều thú vị.

Chị Võ Thúy Ngân, du khách đến từ Bình Dương rất ấn tượng về sự nhiệt tình, mến khách của người Bạc Liêu. Chị cũng như nhiều du khách rất hài lòng khi đến tham quan vườn nhãn bởi vừa tìm được cảm giác bình yên, thư giãn dưới bóng cây vừa được thưởng thức vị ngọt thanh, thơm mát của trái nhãn Bạc Liêu, lại có cơ hội khám phá văn hóa độc đáo của 3 dân tộc Kinh-Khmer-Hoa cùng cộng cư ở đây.

Dọc theo tuyến đường du lịch vào vườn nhãn, nhiều chủ vườn bố trí điểm bán nhãn cùng các loại nước uống phục vụ du khách. Ở đây, khách du lịch nếu muốn có thể thoải mái vào vườn nhãn để tự tay hái, thưởng thức nhãn chín mọng trên cây.

Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm vườn nhãn cổ ảnh 2Những quả nhãn chín mọng trên cây. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Anh Trần Minh Đức, chủ vườn nhãn “Love Garden” ở ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu chia sẻ, là người sinh ra và lớn lên với tuổi thơ gắn liền với cây nhãn, tự hào về vùng đất Giồng Nhãn, trên diện tích 4 hecta, gia đình anh trồng gần 100 cây nhãn cổ.

Anh Đức xử lý kỹ thuật cho trái quanh năm để phục vụ khách du lịch. Khách đến đây được nghe những chuyện kể về giống nhãn cổ Bạc Liêu, được trực tiếp hái, thưởng thức trái nhãn ngọt lịm và thơm dịu nổi tiếng ở vùng đất Giồng xứ Bạc.

Khách du lịch đến tham quan vườn nhãn còn được thưởng thức ẩm thực dân dã, trong đó bánh xèo là món không thể bỏ qua.

Anh Tạ Công Danh, chủ quán bánh xèo A Mật, xã Hiệp Thành cho hay với người dân Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng, kỹ thuật làm bánh xèo thường không khác nhau nhiều, nhất là về nguyên liệu.

Bánh cũng được làm bằng bột gạo, hành lá, nước cốt dừa, bột nghệ, tép bạc, thịt nạc, đậu xanh nguyên hạt còn vỏ, hành tây, giá đỗ, củ sắn, nước chấm và rau ăn kèm như: rau thơm các loại, các loại đọt lá cây gồm: xoài, cóc, lá cách, sộp, bằng lăng, sung, điều… So với những những nơi khác, bánh xèo Giồng Nhãn có kích thước lớn hơn.

Khai thác lợi thế du lịch sinh thái vườn nhãn

Ông Lý Vỹ Triều Dương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết để khai thác tiềm năng du lịch từ vùng trồng nhãn, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025.

Tỉnh xác định phát triển du lịch dưới tán nhãn là một trong những ưu tiên của loại hình du lịch sinh thái cộng đồng.

[Bạc Liêu: Bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn với phát triển du lịch]

Ngành du lịch tỉnh đã hoàn thành giai đoạn 1 của Đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch với tổng số 1.110 gốc nhãn thuộc sở hữu của 48 hộ dân trên địa bàn xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu.

Điểm nổi bật ở đây là những vườn nhãn với nhiều gốc nhãn cổ thụ, có cây lên đến hơn trăm năm tuổi. Cùng với đó là khung cảnh đồng quê đặc trưng nông thôn Đồng bằng Sông Cửu Long tạo thành một không gian sinh thái nông nghiệp hấp dẫn có thể tổ chức các hoạt động du lịch đa dạng như nghỉ cuối tuần, văn hóa, sinh thái, ẩm thực…

Bạc Liêu tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Đề án với mục tiêu hình thành 3 cụm với tổng số 339 cây nhãn cổ để đẩy mạnh công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng gần gũi với thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa.

Để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực vườn nhãn, theo bà Đỗ Ái Lam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bạc Liêu, thành phố tập trung xây dựng nhiều sản phẩm thu hút du khách, trong đó tập trung nhiều vào sản phẩm du lịch vườn nhãn.

Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm vườn nhãn cổ ảnh 3Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu trong vườn nhãn trăm tuổi ở Bạc Liêu. (Ảnh: Minh Đức/ TTXVN)

Thành phố đặt chỉ tiêu xây dựng khu du lịch vườn nhãn trở thành khu du lịch cộng đồng trọng điểm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm với nhiều dịch vụ phong phú. Qua đó, phát triển sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng.

Địa phương cũng gắn phát triển du lịch cộng đồng vườn nhãn Bạc Liêu với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của đồng bào dân tộc Khmer như hát Dù-kê, nhạc ngũ âm, múa Apsara, múa Rom vong...và các lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc Khmer như Lễ hội Ok Om Bok, Lễ Dâng bông, Dol Ta, Chôl Chnăm Thmây...

Thành phố Bạc Liêu đang đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch; chọn những hộ dân đủ điều kiện xây dựng mô hình homestay; củng cố và thành lập mới các câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ khách đến tham quan vườn nhãn.

Thành phố sẽ tổ chức Lễ hội nhãn hàng năm với nhiều hoạt động đa dạng nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, xứng tầm là trung tâm du lịch của tỉnh và là một trong những trung tâm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng Sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục