LOẠT BÀI “KINH TẾ XANH - TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

Bài 10: Du lịch “bừng tỉnh,” xốc lại hành động vì một tương lai bền vững

Chiến lược phát triển du lịch VN đến năm 2030 đã đưa ra định hướng phát triển bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng Xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu kinh tế-xã hội.

Hậu đại dịch, tinh thần du lịch Xanh đang ngày càng lan rộng khắp nơi. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Hậu đại dịch, tinh thần du lịch Xanh đang ngày càng lan rộng khắp nơi. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đồng lòng xốc lại du lịch để phục hồi và phát triển bứt phá sau đại dịch, thời gian qua, lãnh đạo ngành các địa phương cũng như doanh nghiệp đều thấm thía: “Đầu tư vào du lịch bền vững chính là đầu tư vào một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.”

Đặc biệt, du lịch Xanh, du lịch bền vững, đầu tư Xanh… đã trở thành những “từ khóa” được đề cập nhiều nhất ở hầu hết các hội nghị, gặp gỡ bàn tròn, từ quy mô cấp quốc gia đến các tỉnh, thành phố, đơn vị lữ hành... hay trong các chiến lược đầu tư, phát triển của từng doanh nghiệp, từng địa phương. Bởi hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp làm du lịch cũng như các địa phương hiểu rõ chỉ có đi theo con đường “xanh hóa” mới có thể phát triển du lịch bền vững.

Khách sạn thân thiện, du lịch vì môi trường

Có thể nói, chưa bao giờ du lịch bền vững lại được đặt ở vị trí ưu tiên quan tâm như thời điểm này. Đặc biệt là sau “cú sốc” mà đại dịch toàn cầu gây ra, con người càng thêm thấm thía những ảnh hưởng tiêu cực mà thiên nhiên, môi trường đang phải gánh chịu.

Thúy Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, cứ ba tháng một lần gia đình sẽ đi xa bằng phương tiện công cộng như máy bay, tàu hỏa đến những vùng đất nhiều cây xanh, sông suối cho ba đứa con lít nhít thay đổi không khí và hầu như tháng nào cũng ra ngoại thành trải nghiệm, cắm trại bằng xe nhà.

(Alter) Ego Enthusiasts 8.jpg
Đại dịch qua đi, con người trở nên gần gũi hơn với thiên nhiên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Nếu trước đây, điểm đến của gia đình thường chọn những khu vui chơi sầm uất thì sau đại dịch chúng tôi ưu tiên hướng tới các giá trị bền vững hơn, trở về với thiên nhiên nhiều hơn. Vì tôi nhận ra, con trẻ càng gần gũi với cây cỏ, sống giữa tự nhiên trong lành, dường như chúng được kích hoạt bản năng sinh tồn mạnh mẽ, học được cách thích nghi với môi trường sống, và nhất là không còn ham mê ‘thế giới ảo’ nữa. Tôi rất mừng bởi sau mỗi chuyến xê dịch như vậy các con lại học thêm được kỹ năng sống mới,” Thúy Ngọc cho hay.

Rõ ràng, tinh thần “bền vững” đang ngày càng lan rộng khắp nơi, len lỏi vào từng gia đình, làm thay đổi nhận thức và thói quen sống của họ một cách tích cực hơn.

Nhiều địa phương, điểm đến, doanh nghiệp cũng đã tiên phong phát triển du lịch Xanh. Tiêu biểu như Hội An (Quảng Nam) từ rất sớm đã kêu gọi cộng đồng, du khách hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Hội An cũng chính thức ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa” vào tháng Chín vừa qua. Thành phố di sản đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 13-15% rác thải nhựa, tiến đến năm 2025 không còn phát sinh rác thải nhựa dùng một lần.

Gần đây, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), danh thắng Tràng An (Ninh Bình) cũng thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi ni-lông, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch...

Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành đã hưởng ứng xu hướng bền vững bằng một số “tour Xanh” như: tour chèo thuyền vớt rác ở Hội An; tour thám hiểm hang động tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); tour khám phá chùm đảo hoang sơ tứ Bình “Bình Ba-Bình Hưng-Bình Lập-Bình Tiên (Khánh Hòa); tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo)...

Surrender Seekers 7.jpg

Nhà sáng lập (founder) Công ty DiDi Travel, ông Bùi Trí Nhã cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã tạo ra ‘cú hích’ mạnh mẽ cho doanh nghiệp tôi với quyết định đẩy mạnh các tuyến tour trải nghiệm văn hóa bản địa, gần gũi thiên nhiên, gắn với các điểm du lịch mạo hiểm tuyệt đẹp ở Cao Bằng, Lạng Sơn…”

Không chỉ trekking xuyên rừng, leo núi, vượt thác ghềnh… tour của DiDi Travel còn mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người tham gia khám phá những năng lực tiềm ẩn trong mình. Hành trình của những cung đường đó vừa giúp du khách nâng cao thể lực, giúp “chữa lành” khi được trở về với tự nhiên cùng những giá trị nguyên sơ nhất, vừa hòa mình với văn hóa bản địa, thưởng thức đặc sản vùng miền…

Đặc biệt, các hoạt động kể trên đã góp phần tạo sinh kế bền vững và làm sống dậy không gian văn hóa cho du lịch cộng đồng phát triển. Một tín hiệu đáng mừng là nhiều địa phương đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để chuyển mình.

Tiêu biểu như ở Nậm Pồ (Điện Biên), là một huyện nghèo vùng biên viễn nhưng có đội ngũ lãnh đạo đã dành nhiều thời gian song hành để tạo ra sản phẩm du lịch cho cộng đồng, sẵn sàng xắn tay cùng làm với bà con.

“Những hộ dân nào làm du lịch thì tiếp tục bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Những hộ dân nào chưa làm du lịch thì phát triển sinh kế. Như gần đây, bà con Nậm Pồ trồng bí để bổ trợ cho sinh kế và song hành với du lịch. Khi du lịch đạt được nguồn thu cơ bản ổn định sẽ giúp làm mạnh sinh kế và ngược lại. Câu chuyện giữa sinh kế và du lịch phải gắn liền mới tạo được bền vững cho phát triển du lịch cộng đồng,” ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), người đã đồng hành cùng quá trình chuyển mình của cộng đồng dân cư Nậm Pồ cho biết.

vnp_moc chau.jpg
Du lịch góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Một số mô hình khác được ông Quỳnh đánh giá cao như ở huyện vùng cao Nguyên Bình, Cao Bằng hay Tả Phìn, Sapa với cộng đồng người Dao, họ tập trung ở không gian chung và chia sẻ những giá trị văn hóa bản địa với 28 món ăn từ thảo dược. Ngoài ra, còn nhiều mô hình thành công như ở xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; thôn Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum...

Cần “cú hích” chính sách để tạo động lực

Đón đầu xu hướng phát triển du lịch bền vững, ở cấp quốc gia, nối tiếp Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam-Điểm đến du lịch Xanh,” Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận-Hội tụ Xanh” đã tiếp tục khẳng định nỗ lực cũng như quan điểm nhất quán chủ trương, định hướng thống nhất hành động của Chính phủ và toàn ngành trong việc phát triển du lịch Việt Nam theo hướng Xanh, bền vững.

Trước đó, tại Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hai nhóm nhiệm vụ: “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng Xanh và bền vững,” và “Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng Xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển Xanh, du lịch thể thao mạo hiểm bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí Xanh...), phát triển sản phẩm du lịch Xanh.”

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng Xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Chiến lược đưa ra nhiều giải pháp như: Ứng dụng công nghệ số, công nghệ Xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch; khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính...

Quang-Nam-3 (1).jpg
Du khách trải nghiệm nghề truyền thống ở Hội An. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt khẳng định: “Để phục hồi và phát triển nền kinh tế Xanh giai đoạn mới, cần nhìn nhận và tư duy lại du lịch theo hướng bền vững và tự cường, quan tâm hơn đến tăng trưởng Xanh và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý và xúc tiến điểm đến, nguồn nhân lực…”

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Hương, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Vinpearl cho rằng cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch Xanh, bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn... Bởi đây là một trong những chỉ số được du khách từ các nước phát triển đặt biệt đánh giá cao trong việc lựa chọn điểm đến.

Nhằm mang đến thuận tiện, nhanh chóng cho du khách trong thủ tục xuất nhập cảnh theo bà Ngô Hương, Việt Nam cần nâng cao tỉ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không.'

Ngoài ra, muốn lộ trình phát triển kinh tế Xanh bền vững, theo bà Hương, cần xã hội hóa nguồn vốn cho các quỹ đầu tư phát triển du lịch với các dự án trọng điểm, tập trung theo chiến lược điểm đến của các địa phương du lịch lớn của quốc gia; ban hành chính sách liên quan đến thuế để gia tăng sức mạnh cạnh tranh của dịch vụ ngành du lịch.

Để nâng cao hiệu quả phát triển du lịch Xanh, bên cạnh đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, du khách về du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án phát triển du lịch Xanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng thay thế, triển khai công nghệ “3R” (Reduce-Reuse-Recycle: Tiết giảm-Tái sử dụng-Tái chế) trong hoạt động phát triển du lịch…/.

Theo Dữ liệu Nghiên cứu tác động môi trường (ESR) công bố vào năm 2022, tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu WTTC (Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới), ngành du lịch và lữ hành chịu trách nhiệm cho 8,1% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2019; 10,6% tổng năng lượng toàn cầu và 0,9% lượng nước ngọt được sử dụng.

Dữ liệu đột phá của ESR được nghiên cứu ở 185 quốc gia trên tất cả các khu vực và sẽ được cập nhật số liệu mới nhất hằng năm. Đây là dữ liệu môi trường toàn diện nhất trong lịch sử của ngành du lịch và lữ hành, bao gồm dữ liệu sử dụng năng lượng và nước của ngành.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục