Sửa đổi Luật Thủ đô để đưa thành phố Hà Nội tăng tốc và phát triển

Bài 3: Hoàn thiện Luật Thủ đô, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thể chế hóa được Nghị quyết của TW về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội đến giữa thế kỷ để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước.

Một góc hồ Hoàn Kiếm. (Nguồn: TTXVN)
Một góc hồ Hoàn Kiếm. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cùng chung nhận định Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được trình lần đầu tại Quốc hội nhưng có chất lượng khá tốt, bám sát các căn cứ pháp lý, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Trung ương, thành phố.

Tuy nhiên, để Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được Quốc hội thông qua, thực sự đi vào cuộc sống, nhất là đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển, cơ quan soạn thảo Luật cần rà soát, tính toán đến phạm vi điều chỉnh cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô nói riêng, Vùng Thủ đô và cả nước nói chung.

Khẳng định vị thế, vai trò là động lực phát triển của Vùng Thủ đô và cả nước

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt. Hà Nội vừa là một đô thị đặc biệt, vừa là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt thì có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một.

Thủ đô được định nghĩa trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" xác định, Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.

Do đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội đến giữa thế kỷ để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước.

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng của Hà Nội mà thực chất là cho cả nước theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cùng cả nước." Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng nêu rõ “Hà Nội vì cả nước, cùng cả Nhà nước." Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội."

Nhiều đại biểu Quốc hội cùng có ý kiến Luật Thủ đô (sửa đổi) cần nhấn mạnh vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội góp phần vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của Vùng Thủ đô và đất nước, do đó, cần có những đặc thù, chính sách đột phá, mang lại hiệu quả thực tế, thiết thực cho người dân.

Nhấn mạnh đến vai trò và vị thế của Thủ đô, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành, Hà Nội phát triển hơn, đối với các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Dương cũng sẽ rất phát triển.

Vì Thủ đô Hà Nội phát triển và lớn mạnh, các tổ chức, cá nhân đầu tư vào Hà Nội cũng sẽ chú ý mở rộng sự quan tâm của mình đến các tỉnh, thành phố lân cận do có ưu thế về vị trí địa lý và điều kiện giao thông.

Đơn cử như tỉnh Hưng Yên - với vị trí đặc biệt là ở gần Hà Nội, cùng với sự lớn mạnh của Thủ đô, Hưng Yên cũng rất khởi sắc. Những đơn vị hành chính của Hưng Yên gần Hà Nội như thị xã Mỹ Hào, Khu Đô thị Ecopark đã phát triển mạnh mẽ.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga tin tưởng cùng với sự lớn mạnh của Thủ đô, các tỉnh lân cận Vùng Thủ đô như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh… sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết: "Việc sửa đổi Luật Thủ đô, nhất là khi Luật được ban hành, đi vào cuộc sống thực tiễn sẽ có tác động lớn đến các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Tác động lớn nhất có thể thấy là các địa phương trong Vùng Thủ đô sẽ được Nhà nước ưu tiên đầu tư và có chính sách thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển toàn diện các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Có thể xem Luật này như là bệ phóng không chỉ cho Thủ đô mà còn để các tỉnh trong Vùng Thủ đô xây dựng, phát triển mạnh mẽ, từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân."

Với tác động có ý nghĩa rất quan trọng như vậy, để bảo đảm tính khả thi của Luật, Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà cho rằng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tập trung quy định về mối quan hệ, nguyên tắc phối hợp liên kết vùng giữa Thủ đô với chính quyền các tỉnh giáp ranh với thành phố Hà Nội nhằm xây dựng cơ chế phối hợp, giải quyết các nội dung liên quan đến nhiều địa phương, chẳng hạn như vấn đề về bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, xây dựng chuỗi đô thị thông minh… hạn chế việc có quá nhiều nội dung phải báo cáo, đề nghị giải quyết ở cấp trung ương.

Đồng bộ trong thực thi Luật Thủ đô (sửa đổi) với các luật khác

Cho ý kiến về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể của hệ thống pháp luật. Việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô là rất cần thiết và có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, một lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với quy định của Hiến pháp và chủ trương của Đảng; xử lý tốt mối quan hệ giữa việc áp dụng Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành sẽ được Quốc hội ban hành sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật.

Dẫn chứng từ thực tiễn triển khai các dự án, đặc biệt là Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô còn một số vướng mắc trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng song hành cùng các quy định giao thẩm quyền về chủ trương, các quy định pháp luật khác cũng phải đi theo, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Đơn cử như Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội có thể quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng. Thành phố cũng cần được ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Nhấn mạnh Luật Thủ đô (sửa đổi) là đạo luật đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới, đồng thời góp ý về nội dung quy định di dời các bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng bản chất quy hoạch Thủ đô là quy hoạch vùng. Do đó, theo Luật Quy hoạch, phải tuân thủ quy hoạch ngành và quy hoạch cấp Quốc gia. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ mối quan hệ này để bảo đảm việc di dời các cơ sở trên có tính khả thi, phù hợp, không bị chồng chéo, không vi phạm các luật chuyên ngành.

ttxvn_cau nhat tan 1.jpg
Cầu Nhật Tân. (Nguồn: TTXVN)

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Điều 35 Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô, tại khoản 5 quy định: “Ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố..."

Có ý kiến của lãnh đạo Quốc hội và một số cơ quan, đơn vị đề nghị, cân nhắc việc quy định “được giữ lại tối đa” là chưa rõ, chưa xác định được khoản giữ lại cho ngân sách thành phố là bao nhiêu để có căn cứ thực hiện. Quy định này sẽ rất khó có hiệu lực khi Luật Ngân sách nhà nước được sửa đổi quy định về nội dung này.

Ngoài ra, tại điểm đ, khoản 1, Điều 36 về sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô quy định “Quyết định nguồn vốn ngân sách để lập các loại quy hoạch” cần xem xét điều chỉnh như sau “Quyết định nguồn vốn ngân sách để lập các loại quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, lập danh mục các công trình kiến trúc có giá trị và các loại hình hoạt động quy hoạch kiến trúc khác sử dụng vốn ngân sách, phục vụ quản lý Nhà nước của thành phố Hà Nội." Bởi lẽ ngoài các loại quy hoạch, thành phố còn cần bố trí ngân sách để lập các loại quy chế quản lý kiến trúc, các loại hình quy hoạch, kiến trúc khác như thiết kế đô thị, tuyến đường... Vì vậy, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định rõ hơn để thuận lợi cho việc thực hiện.

Bên cạnh những băn khoăn về phân cấp, giao thẩm quyền, huy động nguồn lực tài chính, ngân sách, cũng như chế độ tiền lương, các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội còn đề nghị Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần thiết kế những chính sách đột phá hơn để sử dụng, “giữ chân” nhân tài sau khi đã được thu hút, tương xứng với vai trò và sự phát triển của Thủ đô, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ; ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa và cụ thể hóa các mục tiêu về Thành phố Sáng tạo./.

Đón đọc bài 4: Kỳ vọng về động lực mới phát triển Thủ đô 'Văn hiến-Văn minh-Hiện đại'

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục