Bài học rút ra từ kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở châu Phi

Các nghiên cứu cho thấy các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nam Phi.
Bài học rút ra từ kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở châu Phi ảnh 1Nhân viên y tế ở Cộng hòa Dân chủ Congo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng news.uct.ac.za của trường Đại học Cape Town, một trong những trường đại học danh tiếng của Nam Phi, mới đây đăng bài phân tích của các giáo sư và nhà nghiên cứu đầu ngành của trường về những bài học rút ra trong phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không truyền nhiễm ở châu Phi - vốn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở châu lục.

Nội dung bài viết như sau:

Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay trên toàn thế giới. Gánh nặng giải quyết vấn đề này ngày càng chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, chỉ 20 năm trở lại đây, các nước đang phát triển mới đánh giá được mức thiệt hại nghiêm trọng do các bệnh không lây nhiễm gây ra.

Các bệnh không truyền nhiễm - hoặc bệnh mãn tính - là những bệnh có thời gian phát bệnh dài và thường tiến triển chậm.

Bốn loại chính là bệnh tim mạch (như đau tim và đột quỵ), ung thư, bệnh hô hấp mãn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen suyễn) và bệnh tiểu đường.

Tại châu Phi, trong 2 thập kỷ qua có một số chính sách liên quan bao gồm Chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các bệnh không lây nhiễm và Tuyên bố Brazzaville.

Ngoài ra còn có Đối thoại nhiều bên liên quan trong khu vực được tổ chức tại Johannesburg (Nam Phi) năm 2013.

Ở cấp quốc gia, chẳng hạn Nam Phi đưa ra một số chính sách như kế hoạch quốc gia về các bệnh không lây nhiễm và các quy định giảm lượng muối sử dụng.

Tuy nhiên, các chính sách này và các sáng kiến khác chưa đạt hiệu quả tối ưu.

Các nghiên cứu cho thấy các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nam Phi.

[Hơn 70% trường hợp nhiễm bệnh HIV tại Việt Nam là nam giới]

Một trong những lý do khiến khả năng kiểm soát các bệnh không lây nhiễm của châu Phi kém hiệu quả là thiếu kiến thức liên quan ở cấp độ địa phương.

Những kiến thức này sẽ giúp địa phương hóa, cụ thể hóa các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm được phát triển ở nhiều khu vực khác trên thế giới và tăng hiệu quả áp dụng các biện pháp này trong môi trường châu Phi.

Bối cảnh thực tiễn

Nhìn chung, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm chủ yếu được phát triển từ phương Tây. Do đó, cần điều chỉnh các biện pháp này để phù hợp với bối cảnh thực tiễn ở các nơi khác trên thế giới.

Ví dụ, bệnh tim mạch là bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở hầu hết các khu vực.

Tuy nhiên, bệnh tim mạch vành (bệnh ở các mạch máu tim) phổ biến ở các nước phương Tây, trong khi bệnh mạch máu não lại phổ biến ở châu Phi.

Lipid máu cao (rối loạn lipid máu) là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch vành, trong khi huyết áp cao là nguyên nhân chính gây ra các bệnh mạch máu não.

Can thiệp vào lối sống (bao gồm chế độ ăn uống và hoạt động thể chất) là nền tảng của phòng ngừa và kiểm soát.

Tuy nhiên, chế độ ăn uống và thói quen hoạt động thể chất của các cộng đồng dân cư lại rất khác nhau.

Trước nhu cầu rất lớn về việc tìm hiểu kiến thức cụ thể theo từng bối cảnh, Hội đồng nghiên cứu y tế Nam Phi đã thành lập đơn vị nghiên cứu chuyên sâu.

Cơ quan này có nhiệm vụ giám sát việc phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở Nam Phi, với trọng tâm chính là các bệnh tim mạch.

Một lĩnh vực trọng tâm khác của cơ quan chuyên trách này là nghiên cứu những người nhiễm HIV.

Lâu nay, các cơ quan chức năng đã bắt đầu thực hiện các chương trình nghiên cứu nhằm cải thiện việc phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm phổ biến ở người nhiễm HIV.

Cơ quan chuyên trách của Nam Phi đang hỗ trợ đào tạo rất nhiều nhà nghiên cứu về lĩnh vực này.

Các nhà nghiên cứu này đóng vai trò rất quan trọng để triển khai nghiên cứu tổng thể, giúp hiểu biết đầy đủ hơn về các bệnh không truyền nhiễm.

Nam Phi đã dành nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo các tiến sỹ và thạc sỹ, các học giả và các nhà nghiên cứu trẻ về những khía cạnh khác nhau của các bệnh không lây nhiễm.

Bài học từ châu Phi

Kết quả từ những nghiên cứu được thực hiện ở châu Phi cũng có thể khuyến nghị các biện pháp đối phó với các bệnh không lây nhiễm ở các nơi khác trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, các nghiên cứu phải đảm bảo có sự phát triển năng lực và hợp tác.

Sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu với nhau, với các nhà cung cấp dịch vụ y tế, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác sẽ giúp giảm thiểu chi phí nghiên cứu.

Sự hợp tác này cũng sẽ cải thiện khả năng tiếp thu và kết hợp các kết quả nghiên cứu trong các chính sách và văn bản hướng dẫn.

Việc đào tạo cho các nhà nghiên cứu, nhà cung cấp dịch vụ y tế và những người khác tham gia nghiên cứu cũng sẽ giảm đáng kể chi phí nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cần thiết trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục