Bản mồ côi của các bà mẹ đơn thân ở La Pán Tẩn

Sau cơn giật mình của núi mẹ, mấy bản quanh đỉnh Pao Dơ Đê bỗng chốc hóa thành các bản góa bụa và mồ côi trong nỗi đau khôn cùng.
Cách trục đường lên mỏ chỉ trăm mét, 3 căn nhà nằm vắt ngang đỉnh đồi, khói bếp hòa lẫn mây mù khiến cho khung cảnh nơi đây thêm phần cô quạnh. Ngồi chắn ngang lối vào bậc cửa nhà, Lù Thị Dê người con dâu của đại gia đình họ Hảng ngóng đôi mắt thất thần vì nỗi đau mất người thân về khoảng không xa như đang tìm kiếm thứ gì để khỏa lấp nỗi cô độc của miền sơn cước xế chiều. Khi thảm họa ập đến La Pán Tẩn, Dê cũng như bao người phụ nữ Mông khác ở nơi đây trở thành trụ cột chính trong gia đình, phải sống cảnh bà mẹ đơn thân trong những tháng ngày còn lại. Buổi sáng định mệnh Phải nhờ anh Hảng Xáy Chông, Trưởng công an xã La Pán Tẩn phiên dịch, chúng tôi mới có thể tiếp chuyện Dê, để tìm hiểu về cuộc sống nghiệt ngã đã an bài cho những người phụ nữ Mông nơi đây. Căn nhà Lù Thị Dê nằm chon von trên ngọn đồi nhìn ra ruộng bậc thang La Pán Tẩn đẹp đến nao lòng. Người đàn bà góa bụa, mắt nhìn mãi ra khoảnh ruộng nhấp nhô xanh mướt ấy. Dê khóc. Nước mắt ép dọc theo gò má đen sạm của chị. 21 tuổi, Lù Thị Dê đã về làm dâu nhà họ Hảng được gần 2 năm. Hạnh phúc lứa đôi của chị mới vừa kết trái với đứa con 7 tháng trong bụng. Vậy mà, chỉ một lần núi mẹ giật mình tức giận, chị đã mãi mãi sống trong cảnh cô đơn. Rót chén nước ngô ngọt lịm, Dê kể với chúng tôi, gia đình chồng Hảng A Giàng có 6 người. Cuộc sống trồng lúa và đi rừng là chủ yếu. Mỗi năm, cả gia đình cật lực làm lụng vất vả cũng chỉ được hơn hai chục bao thóc để ăn. Thế nên, khi mùa lúa chín cận kề cũng là khoảng thời gian cái đói bắt đầu nhen nhóm đến từng hộ dân nơi đây. Cực chẳng đành, 3 người lao động chính trong nhà Dê phải đi mót quặng để mua gạo ăn, mua quần áo và các vật dụng sinh hoạt. Ngẩn ngơ mãi trong hỗn độn bao nhiêu ký ức, Dê vừa khóc ngất đi, vừa mếu máo kể về buổi sáng định mệnh ấy. Rằng, hôm trước trời mưa thật to. Chồng Dê là Hảng A Giàng thủ thỉ với vợ: Nhà hết tiền, mai Giàng sẽ vào núi nhặt quặng đem bán. Dê nghẹn ngào nói: “Tối mùng 6, A Giảng có nói sẽ lên mỏ mót quặng. Em đã nói mưa lắm, đừng đi, lo lắm có ai mà không lo! Nhưng chồng bảo nhà hết gạo rồi, phải đi mót quặng đổi gạo.” Nói là làm, sáng ngày 7/9, biết quặng sẽ lộ ra trong cơn mưa to, A Giàng rủ thêm anh trai Dê đi vào rừng mót quặng. Tới đỉnh đèo Pao Dơ Đê, A Giàng gặp bố mẹ đi rừng về nên lại bảo họ đi cùng. Chỉ vài tiếng sau, Dê nhận được tin báo mất người thân do sạt lở núi ở mỏ quặng.
Bản mồ côi của các bà mẹ đơn thân ở La Pán Tẩn ảnh 1

Nỗi đau vẫn hằn lên trên gương mặt những người ở lại (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Khi tai nạn xảy đến, được mọi người báo tin, Dê đang mang bầu 7 tháng nhưng vẫn một mình leo đèo, vượt dốc dù đường lầy lội trơn trượt với niềm tin chồng chưa chết. “Đi được nửa đường thì người ta nói chỉ cứu được người khác mà không thấy chồng. Lúc đó, chân tay bủn rủn, mệt mỏi, lo sợ nên phải nghỉ giữa đường để trấn an tinh thần có sức đi tiếp,” Dê ngậm ngùi nói. Từ lúc tai họa ập đến, mỗi lần nghĩ về lúc nhận thi thể chồng, Dê đều ám ảnh bởi xác chồng bị đá dập nát. Thời gian vừa qua, Dê bảo đêm quá dài do không ngủ được vì lo sợ cho những tháng ngày kế tiếp. Khi chúng tôi hỏi ước muốn duy nhất lúc này, Dê chỉ lặng im không nói mà sụt sịt khóc. Chắc chắn rồi đây, kí ức về thảm họa La Pán Tẩn vẫn sẽ đeo đuổi hết quãng đời của Dê và những người phụ nữ Mông-những con người vẫn chưa có lối thoát từ chính hoàn cảnh túng ăn làm liều bán mạng sống mình từ những lần đi mót quặng. Bố ơi! Bố còn sống Cách đó không xa, tang tóc vẫn bao trùm trong căn nhà của chị Hờ Thị Chay có chồng là Hảng A Dinh và con trai Hảng A Sùng đều cùng đi mót quặng vào cái buổi sáng định mệnh. Dưới ánh sáng leo lét của bóng đèn vàng duy nhất trong nhà, mấy đứa trẻ dường như vẫn chưa thể tin bố mất nên thường ngày vẫn ôm ảnh bố Hảng A Dinh ngọng nghịu khóc: “Bố ơi, bố còn sống…” Về làm dâu nhà họ Hảng, chị Hờ Thị Chay cũng có cuộc sống hạnh phúc thời gian đầu. Chị Chay kể, cưới nhau chưa được hai năm, chồng nói đi học cao đẳng để về làm cán bộ, vậy mà về nhà nghỉ hè chẳng bao lâu Sùng bỏ lại vợ con bơ vơ. Lẽ ra đã đến ngày nhập trường nhưng nhà chẳng còn tiền nộp học nên anh mới đánh liều đi mót quặng. Dưới cơn mưa tầm tã, nhận được tin báo mất người thân, ba người phụ nữ Mông dìu nhau lầm lũi từng bước chân nặng trịch đến khu vực sạt lở. Chị Hờ Thị Chay khóc ngất khi nhìn thấy cánh tay bị sẹo của chồng, những gì còn lại chỉ là một vài bộ phận cơ thể rời rạc chưa bị đất đá vùi sâu. Người phụ nữ ấy quỵ ngã trong đớn đau, tê tái...
Bản mồ côi của các bà mẹ đơn thân ở La Pán Tẩn ảnh 2
Ánh mắt thất thần của những người thân các nạn nhân (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
“Chẳng bao giờ mắng chửi con gái đâu, thằng Dinh tốt tính, chỉ biết chăm chỉ làm ăn thôi. Sáng hôm đấy, vợ nó can nhưng chồng bảo nước suối to, nhiều quặng nên cứ đi,” mẹ chị Chay vừa khóc vừa vỗ về bốn đứa cháu ngoại. Căn nhà nghèo chỉ còn ngô để ăn qua tháng đói. Nhưng hết mùa đói năm nay, ba người phụ nữ và năm đứa trẻ thơ côi cút lại chẳng biết bấu víu tiếp vào đâu… khi những người đàn ông vốn là lao động chính trong gia đình đã vĩnh viễn vùi lấp thân mình trong mỏ quặng. Trời La Pán Tẩn xế chiều, từng căn nhà trong bản bị che lấp trong sương mù. Nỗi đau mất chồng, cha, anh đã khiến hai bản Trống Pao Sáng và La Pán Tẩn thành những bản mồ côi trong thảm họa kinh hoàng sạt lở núi./.
Mạnh Hùng - Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục