Tờ “Minh báo” (Hong Kong) đã đăng bài viết của Giáo sư Trương Vọng, làm việc tại Đại học Waseda, trong đó nhận định rằng từ khi bước vào thời đại Lệnh Hòa (Reiwa) năm 2019, Nhật Bản đang bước vào một chu kỳ khác, không còn hòa bình và khủng hoảng tứ phía.
Cơ sở cho nhận định này của ông Trương Vọng là những diễn biến gần đây, đặc biệt là việc cựu Thủ tướng Shinzo Abe - lãnh đạo phe lớn nhất trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) bị ám sát tại Nara gây chấn động thế giới, ngay trước khi LDP cầm quyền giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 10/7.
Thủ tướng Fumio Kishida đã có các hoạt động ngoại giao con thoi trong những tuần gần đây. Ngày 11/6, ông dẫn đầu phái đoàn quân sự tham dự Đối thoại An ninh châu Á Shangri-La ở Singapore và ngày 29/6 đến Madrid (Tây Ban Nha) để tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tại 2 hội nghị thượng đỉnh quốc tế này, Kishida đều nhấn mạnh lập trường phản đối những nỗ lực đơn phương dùng sức mạnh nhằm thay đổi hiện trạng ở Đông Á, ngầm ám chỉ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ góc độ nội bộ Nhật Bản, các hoạt động ngoại giao tích cực của Kishida bắt nguồn từ yếu tố chính trị trong nước.
Khép lại một thời đại
Kể từ khi ông Kishida lên nắm quyền năm 2021 đến nay, tỷ lệ ủng hộ chính phủ luôn duy trì ở mức 60%, không đi theo lối mòn là sụt giảm dần sau “tuần trăng mật.” Chiến lược cầm quyền của Kishida ở trong nước dường như là “làm ít mắc sai ít và không làm không sai” và may mắn đã tránh được thách thức của làn sóng dịch COVID-19 thứ 6. Với Kishida, cuộc bầu cử Thượng viện là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, bước vào tháng 6/2022, Nhật Bản đối mặt với nguy cơ lạm phát, tăng giá và sự bất bình của công chúng, khiến tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Kishida và chính phủ sụt giảm. Cuộc thăm dò ngày 18/6 của tờ “Mainichi” cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các Kishida đã giảm xuống 48%.
Tuy nhiên, đối sách của Kishida vào thời điểm này không phải là tập trung vào cách đối phó với lạm phát trong nước, mà là tích cực có các chuyến công du nước ngoài và tham gia các hội nghị thượng đỉnh quốc tế của phương Tây.
[Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Trung Quốc nhất trí thúc đẩy đối thoại]
Theo các nguồn tin ngoại giao Nhật Bản, chiến lược của Kishida, cựu ngoại trưởng, rõ ràng là nhằm sử dụng ưu thế ngoại giao để nâng cao sự ủng hộ trong nước, đặc biệt là thông qua lập trường cứng rắn của ông về vấn đề Trung Quốc và chiến tranh Nga-Ukraine để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri phe bảo thủ.
Ngày 10/7, kết quả của cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản được công bố. LDP và Đảng Công minh trong liên minh đã giành được hơn một nửa số ghế. Nền tảng chính trị trong nước của Kishida cuối cùng đã được củng cố, và trong 3 năm tới sẽ không có cuộc bầu cử quy mô lớn.
Tuy nhiên, vụ cựu Thủ tướng Abe bị ám sát vào ngày 8/7 đã báo trước dấu chấm hết của một thời đại trong nền chính trị Nhật Bản ở một mức độ nào đó. Abe đại diện cho lực lượng tương đối thiên hữu trong LDP, chủ trương Nhật Bản cần phải thoát khỏi thể chế thời hậu chiến và tăng cường sức mạnh quốc phòng.
Trong 6 tháng qua, cựu Thủ tướng Abe liên tiếp có các phát ngôn như “nếu có điều gì đó xảy ra ở Đài Loan, thì đó cũng là việc của Nhật Bản” và “học thuyết chia sẻ hạt nhân giữa Nhật Bản và Mỹ” nhằm gây áp lực đối với chính quyền Kishida tương đối ôn hòa. Sự ra đi của ông Abe phần nào có thể giúp chính phủ Kishida tương đối ôn hòa có không gian lớn hơn để hiện thực hóa quan điểm chính trị của mình. Tuy nhiên về lâu dài, các lực lượng cánh hữu trong đảng, vốn không còn sự chèo lái của các chính trị gia nòng cốt như Abe, có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn dân sự khó kiểm soát.
Định danh chiến lược về Trung Quốc
Nhiều người đang đặt câu hỏi về những thay đổi trong thời gian tới trong chính sách và chiến lược đối phó Trung Quốc mà chính phủ Kishida thúc đẩy, sau chiến thắng vang dội tại Thượng viện. Sau năm 2021, trong bối cảnh chính quyền Biden đã nói lời chia tay với “Nước Mỹ trước tiên” của Donald Trump và tăng cường phối hợp với các đồng minh dân chủ, Nhật Bản sẽ dần xích lại gần Mỹ trong vấn đề Trung Quốc.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự kiềm chế và giữ cân bằng của chính phủ Kishida đối với Trung Quốc sẽ có cường độ khác với chính phủ Abe trước đây (2012-2016).
Một mặt, Nhật Bản dưới thời Kishida sẽ tăng cường đề phòng Trung Quốc vì lo ngại về an ninh, chẳng hạn như tăng cường đáng kể khả năng tác chiến trên không và trên biển của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đặc biệt là việc triển khai lực lượng tên lửa đất đối hạm Type 12 trong chuỗi đảo đầu tiên, tăng cường sự phối hợp với quân Mỹ đóng quân ở Nhật Bản.
Dự kiến trong 5 năm tới chi tiêu quân sự của Nhật Bản sẽ tương đương với mức sàn của NATO, tăng lên tương đương 2% GDP, nhằm đẩy nhanh việc mua sắm thiết bị mới và tăng cường lực lượng hải quân, không quân và năng lực tác chiến điện tử của Nhật Bản.
Mặt khác, Thủ tướng Kishida là một chính trị gia giàu kinh nghiệm ngoại giao và cũng coi trọng việc giữ cân bằng với Trung Quốc, tránh động chạm giới hạn cuối cùng của quốc gia này. Trong phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ do Mỹ tổ chức hồi tháng 12/2021, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh các giá trị phổ quát như dân chủ và nhân quyền, song cũng đề cập tới việc con đường tiến đến dân chủ của bất kỳ quốc gia nào cũng gập ghềnh, khúc khuỷu, sự phát triển dân chủ không thể một sớm một chiều mà phải trân trọng những nỗ lực tích lũy của mỗi quốc gia trong một bối cảnh lịch sử cụ thể. Những nhấn mạnh của Kishida về sự cân bằng khác hẳn với thuyết nhị nguyên “dân chủ/độc tài” của Biden.
Ngày 13/6, cố vấn của Thủ tướng Kishida là Phó Chánh văn phòng Nội các Seiji Kihara đã trả lời phỏng vấn của phóng viên báo mạng "nippon.com" về quan điểm của Nhật Bản đối với Trung Quốc rằng Nhật Bản muốn hối thúc Trung Quốc hành động phù hợp với các quy tắc quốc tế, tránh thuyết nhị nguyên “dân chủ/độc tài.”
Cách hành xử của Nhật Bản tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 hồi đầu năm cũng thể hiện một sự khéo léo. Trong khi Mỹ và Anh có các động thái tẩy chay ngoại giao đối với Bắc Kinh, Thủ tướng Kishida đã bất chấp những tiếng nói cứng rắn của phe Abe về Trung Quốc vào thời điểm đó để thông qua một kế hoạch thỏa hiệp rất tinh tế: không cử thành viên chính phủ Nhật Bản tham dự, và để Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo Seiko Hashimoto làm đại diện.
Hành động này đã đạt được hiệu quả ngoại giao vừa không làm mất lòng Mỹ vừa không làm mếch lòng Trung Quốc.
Những sự kiện chấn động tuần qua đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng. Liệu Fumio Kishida có thể tạo ra một thời đại mới cho Nhật Bản hay không vẫn còn là điều cần phải chờ xem./.