Báo chí cần tiếp tục tôn vinh những tấm gương bình dị mà cao quý

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng báo chí cần phát hiện thêm nhiều tấm gương sáng, viết hay, sinh động hơn nữa để cổ vũ, nêu gương những điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội.

Tối 8/6, tại Hà Nội, Ban tổ chức đã trao một giải Nhất, hai giải Nhì, ba giải Ba và chín giải Khuyến khích cho các tác giả đoạt giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 8.

Đây là sự kiện thiết thực nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017), do Báo Quân đội Nhân dân phối hợp với một số đơn vị thực hiện.

Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chúc mừng các tác giả và trao giải Nhất cho tác giả Mai Thắng (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với tác phẩm “Dì Mười 25 năm lặng thầm làm việc nghĩa.”

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng biểu dương sáng kiến của Báo Quân đội Nhân dân đã tổ chức cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị và cao quý” trong suốt tám năm qua.

Cuộc thi đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh các tác phẩm dự thi đã phản ánh sinh động nhiều tấm gương tiêu biểu của cán bộ, đảng viên, người dân ở các ngành nghề, lĩnh vực đang âm thầm cống hiến cho cộng đồng, đất nước. Điều này góp phần khẳng định việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang diễn ra đầy sức sống với người thực, việc thực, giản dị mà có ý nghĩa lớn lao.

Các tác giả, nhà báo đã chuyển tải đến cộng đồng những câu chuyện về người tốt, việc tốt, góp phần khẳng định niềm tin, sức sống, sự lan tỏa tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng ghi nhận, biểu dương cố gắng của những người làm báo đã có công phát hiện, phản ánh, góp phần cổ vũ những mặt tích cực trong xã hội, trong mỗi con người, chống những biểu hiện còn tiêu cực.

Trong thực tế cuộc sống còn rất nhiều tập thể, cá nhân học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, bình dị mà cao quý, ý nghĩa lớn lao. Do đó, báo chí cần tiếp tục bám sát cuộc sống, phát hiện thêm nhiều tấm gương sáng, viết hay, sinh động hơn nữa để cổ vũ, nêu gương những điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội.

Ngay sau lễ trao giải là chương trình giao lưu nghệ thuật chủ đề “Ngời sáng những người con trung hiếu” nhằm tôn vinh những cán bộ đảng viên, những con người bình dị vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, có nhiều việc làm mang ý nghĩa sâu sắc vì lợi ích của đất nước, của cộng đồng.

Trong số những nhân vật tham gia giao lưu có dì Mười - nhân vật trong bài viết giành giải Nhất cuộc thi. Dì Mười tên thật là Lê Thị Tám, một nữ cựu tù Côn Đảo, 86 tuổi. Dì Mười là tấm gương sáng về đức hy sinh thầm lặng, quên mình vì cộng đồng. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng bà luôn giành tâm huyết các công việc thiện nguyện, giúp đỡ cho nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong suốt 25 năm qua, đặc biệt là các gia đình thân nhân liệt sĩ… Dì Mười luôn mong muốn thật khỏe mạnh để tiếp tục công việc từ thiện và mơ ước một lần được đến với Trường Sa, thăm cán bộ chiến sĩ và người dân nơi đây.

Trong chương trình giao lưu nghệ thuật, khán giả còn được thưởng thức nhiều ca khúc nổi tiếng như “Một đời người một rừng cây,” “Người là niềm tin tất thắng,” “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng,” “Ngọn nến tri ân,” “Tổ quốc gọi tên mình”

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 8 được phát động từ tháng 3/2016, đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tay bút chuyên nghiệp và không chuyên tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục