Báo chí nhân văn: Không 'hả hê' trước sai phạm của doanh nghiệp

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí là mối quan hệ tương hỗ hai chiều. Do đó để tháo gỡ, giải quyết những khúc mắc, báo chí và doanh nghiệp cần phải cởi mở vì mục tiêu chung là lợi ích dân tộc.
Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp luôn được coi là khăng khít, gắn bó mật thiết với sự phát triển của nền kinh tế. (Ảnh minh họa: Văn Dũng/TTXVN)
Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp luôn được coi là khăng khít, gắn bó mật thiết với sự phát triển của nền kinh tế. (Ảnh minh họa: Văn Dũng/TTXVN)

Lâu nay, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp luôn được coi là khăng khít, gắn bó mật thiết với sự phát triển của nền kinh tế. Trước một tin đồn ác ý có thể trở thành “quả bom” công phá doanh nghiệp, báo chí có thể đưa ra những thông tin khách quan để trấn an được dư luận. Ngược lại, doanh nghiệp lại có đóng góp to lớn trong việc phát triển kinh tế báo chí.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mạng xã hội lên ngôi và thông tin đa chiều như hiện nay, giữa báo chí và doanh nghiệp lại xuất hiện những “khoảng tối” của sự nhũng nhiễu, thiếu minh bạch trong xử lý thông tin.

Mối quan hệ cộng sinh

Tại diễn đàn “Báo chí-doanh nghiệp đồng hành cùng chính phủ vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng” diễn ra tại Hà Nội ngày 29/6, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện ‘mục tiêu kép,’ báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp khi vừa đảm bảo sản xuất, vừa phải chống dịch, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.” 

Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm.

Báo chí nhân văn: Không 'hả hê' trước sai phạm của doanh nghiệp ảnh 1Đoàn Chủ tịch điều hành diễn đàn. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng không ít cơ quan báo chí và nhà báo luôn sát cánh cùng các chuyên gia kinh tế theo dõi, phân tích tình hình kinh tế để kịp thời đưa ra những dự báo, giúp các doanh nghiệp lựa chọn được đường hướng kinh doanh đúng đắn.

Trong một số trường hợp, báo chí giúp doanh nghiệp nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

“Báo chí không chỉ là đối tác đối với doanh nghiệp mà còn là ‘bàn đạp’ định hướng phát triển doanh nghiệp trong tương lại giúp nâng cao uy tín, thương hiệu, hình ảnh từ đó, thay đổi nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của công chúng, nhất là những nhóm công chúng mục tiêu của mình,” ông Lợi nói.

Mặc dù ở trong mối quan hệ tương hỗ như vậy nhưng trong thời gian qua, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đôi khi vẫn còn nhiều trắc trở. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không hợp tác với báo chí, hoặc báo chí thông tin chưa chính xác, gây ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, không ít vụ việc báo chí “sách nhiễu,” “làm tiền” doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng xử lý.

[Thêm cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai thanh toán số]

Bàn về thực trạng này, nhà báo Trương Thành Trung, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Mặt trận thẳng thắn cho rằng có những nhà báo tìm đến doanh nghiệp với động cơ, ý đồ riêng. Điều này vô hình trung khiến cho doanh nghiệp có cách nhìn khác về báo chí, họ nghi ngờ về đạo đức và nghiệp vụ của một số nhà báo.

Còn về phía doanh nghiệp, nhà báo đôi lúc gặp khó khăn trong việc tiếp cận để khai thác thông tin. Khi viết theo hướng tích cực, nhà báo thường được tạo điều kiện, song cũng dễ bị hiểu lầm là có “động cơ,” còn viết về những tiêu cực thì họ gặp phải sự “lạnh nhạt” của doanh nghiệp, có trường hợp doanh nghiệp từ chối thẳng thừng…

Nhà báo Trương Thành Trung cho rằng khoảng cách trong mối quan hệ báo chí-doanh nghiệp khiến cả hai bên đều gặp bất lợi. Báo chí xa doanh nghiệp là xa một tầng lớp năng động nhất, đó là chưa nói đến việc xa một khách hàng tiềm năng, có sức mua, có khả năng thanh toán. Còn doanh nghiệp xa báo chí chính là đang hạn chế tiếng nói của mình đồng thời xa công chúng, dư luận, những khách hàng tiềm năng hay chính là xa rời thị trường.

Giải pháp nhân văn

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí là mối quan hệ tương hỗ hai chiều. Do đó để tháo gỡ, giải quyết những khúc mắc, không giải pháp nào quan trọng bằng việc báo chí và doanh nghiệp cần phải cởi mở, tin cậy, tôn trọng và cùng nhau hướng đến mục tiêu chung là lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đó là điều mà nhiều nhà báo, chuyên gia truyền thông khẳng định tại diễn đàn.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, trong định hướng của Hội Nhà báo Việt Nam có nêu ra những từ khoá rất quan trọng như “đoàn kết, kỷ cương, chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển, nhân văn.” Từ đó, ông Minh bày tỏ mong muốn báo chí cách mạng Việt Nam đặt cao yếu tố nhân văn.

"Bản chất của báo chí là tò mò và phản ánh những điều bất cập, song không có nghĩa là ‘hả hê’ trước sai phạm, bất cập của doanh nghiệp. Gần đây, chúng tôi nêu nhiều khái niệm ‘báo chí xây dựng’ để nhấn mạnh góc độ nhìn nhận sự việc của báo chí,” ông Minh nói.

Báo chí nhân văn: Không 'hả hê' trước sai phạm của doanh nghiệp ảnh 2Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo Nguyễn Thành Lợi phát biểu. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Đề xuất giải pháp đảm bảo tính chính xác và nhân văn trong thông tin về doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Lợi cho rằng doanh nghiệp cần minh bạch hóa thông tin, ngay cả trường hợp thông tin bất lợi đối với mình.

“Trong bất kỳ tình huống nào, doanh nghiệp rất cần tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, cung cấp cho công chúng cái nhìn chính xác nhất, loại bỏ những tin đồn, tin không chính xác xuất hiện. Cơ quan báo chí phải cố gắng tiếp cận, không vì cạnh tranh thông tin mà lôi kéo độc giả để thương mại hoá tờ báo; càng không vì lợi nhuận dẫn đến hậu quả thông tin thiếu trung thực hoặc chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau, làm suy giảm lòng tin của người đọc nói chung, doanh nghiệp nói riêng,”  ông Lợi nói.

Ông Lợi cho rằng nhà báo phải hướng đến sự tích cực, đảm bảo lợi ích hài hòa, không nên vì lợi ích nhất thời mà bỏ quên tính nhân văn cao cả của báo chí.

“Bên cạnh tính chính xác của thông tin, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cũng đóng vai trò rất quan trọng, bởi đây chính là thước đo giá trị của việc hành nghề chân chính. Điều này không chỉ thể hiện ở việc đảm bảo tính hài hòa, nhân văn trong thông tin, tức là cân bằng giữa thông tin tốt-xấu, vừa phân tích những điểm chưa được, vừa gợi ý các giải pháp, vừa khích lệ, động viên,” ông Lợi nói.

Để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa báo chí-doanh nghiệp thời gian tới, Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý, chủ quản báo chí tăng cường giám sát hoạt động báo chí, xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Báo chí, đạo đức người làm báo, làm ảnh hưởng đến uy tín, gây thiệt hại cho doanh nghiệp; xây dựng mối quan hệ báo chí-doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác, đồng hành vì sự phát triển bền vững của đất nước.

“Trong môi trường truyền thông số, kinh tế số, báo chí-doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ. Sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả giữa báo chí-doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số sẽ góp phần vào thành công của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; hiện thực hóa mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số,” bà Nguyễn Hồng Hạnh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục