Báo động cháy tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên do gió Ô Quý Hồ nổi lên

Tỉnh Lào Cai đã khuyến cáo các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị và người dân địa phương tăng cường bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng trước diễn biến bất lợi của thời tiết.

Một vụ cháy rừng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên. (Ảnh: Lục Văn Toán/TTXVN)
Một vụ cháy rừng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên. (Ảnh: Lục Văn Toán/TTXVN)

Do chịu ảnh hưởng của lớp nghịch nhiệt trên cao, từ trưa 30/1, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã nổi gió Ô Quý Hồ ấm khô nguy hiểm. Đến 10 giờ ngày 31/1, gió Ô Quý Hồ tại Sa Pa vẫn tiếp tục duy trì hoạt động.

Gió Ô Quý Hồ xuất hiện đẩy cấp báo động cháy Vườn Quốc gia Hoàng Liên và các cánh rừng lân cận tăng cao dần.

Tỉnh Lào Cai đã khuyến cáo các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị và người dân địa phương tăng cường bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng trước diễn biến bất lợi của thời tiết.

Cụ thể, hồi 13 giờ ngày 30/1, Trạm Khí tượng Sa Pa quan trắc được nhiệt độ tăng cao đột ngột lên tới 18 độ C, gió hướng Tây Nam tốc độ 4m/s, độ ẩm trong không khí giảm xuống còn 57%.

Trong khi đó, cùng thời điểm, thị trấn Bắc Hà đo được nhiệt độ là 12,8 độ C. Phố Ràng (Bảo Yên) 16,6 độ C; thành phố Lào Cai 17,4 độ C. Tuy nhiên, tất cả đều thấp hơn nhiệt độ ở Sa Pa.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, đợt gió này có khả năng kéo dài khoảng 3-4 ngày nữa, nhiệt độ có xu hướng tăng cao hơn, độ ẩm giảm thấp dần rồi ổn định.

Đặc biệt, thời gian qua, Sa Pa chịu ảnh hưởng của một đợt rét hại rất nặng kéo dài. Một số khu vực núi cao xuất hiện băng giá, lạnh rét sâu và băng giá khiến cây cỏ, cây bụi chết hàng loạt. Gió mạnh kèm độ ẩm thấp làm bì thực vật dưới mặt đất khô nhanh nên càng có nguy cơ cao xảy ra cháy.

Các cấp chính quyền, Vườn Quốc gia Hoàng Liên, các chủ rừng, hạt Kiểm lâm Sa Pa và người dân địa phương đang tăng cường công tác bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nhiều biện pháp chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô năm 2023-2024.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai yêu cầu lực lượng Kiểm lâm phải bám, nắm địa bàn để tổ chức kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở; tổ chức lực lượng thường trực phòng cháy, chữa cháy rừng trong suốt mùa khô hanh và trực 24/24 giờ tại Văn phòng Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm, Trạm Kiểm lâm cụm xã khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp 4, cấp 5.

Các chủ rừng kiểm tra, rà soát lại phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã xây dựng; điều chỉnh, bổ sung phương án đảm bảo sát đúng với thực tế, có tính khả thi cao; đầu tư, tu sửa các công trình phòng cháy, chữa cháy, xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy rừng…

Các chủ rừng bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các chốt/trạm bảo vệ rừng khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp 4, cấp 5; phát hiện sớm và kiểm soát chặt chẽ người ra, vào các khu rừng trọng điểm dễ cháy trong thời gian cao điểm mùa khô; sẵn sàng tham gia chữa cháy kịp thời không để cháy lan, cháy lớn.

Theo các chuyên gia thời tiết, gió Ô Quý Hồ là một loại gió địa phương, xảy ra trên phạm vi hẹp, thổi từ đèo Ô Quý Hồ tràn xuống trung tâm thị xã Sa Pa và các vùng phụ cận, nên người dân Sa Pa gọi là gió Ô Quý Hồ. Hiện tượng gió vượt đèo được gọi là Phơn (foehn), hay còn gọi là hiệu ứng Phơn.

Từ bên kia sườn núi gió thổi lên, càng lên cao, không khí càng lạnh dần rồi ngưng kết, tạo thành mây cho mưa ở sườn đón gió, đồng thời thu thêm nhiệt do ngưng kết tỏa ra.

Sau khi vượt qua đỉnh, gió thổi xuống bên này núi, nhiệt độ của nó tăng dần lên do quá trình không khí bị nén đoạn nhiệt. Vì vậy, đến chân núi bên này, không khí trở nên khô và nóng hơn. Đỉnh núi càng cao, chênh lệch nhiệt độ càng lớn.

Đèo Ô Quý Hồ có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, nên hiệu ứng Phơn rất mạnh, khiến gió Ô Quý Hồ cũng trở thành loại gió địa phương đặc thù với sức ảnh hưởng lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục