Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện tượng El Nino dự báo sẽ còn duy trì đến tháng Tư với xác suất trên 90%. Hiện tượng này sẽ suy yếu và có khoảng 60% khả năng chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn giữa năm (từ tháng Năm đến tháng Bảy), sau đó chuyển sang La Nina vào cuối năm 2024.
Với diễn biến khí tượng trên, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra nhận định trong năm 2024, hoạt động bão, áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Đáng lưu ý là bão, áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông có thể sẽ nhiều hơn.
UNDP đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giảm thiểu thiệt hại thiên tai
Đại diện UNDP đánh giá cao Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ đi kèm với những hành động cụ thể để thực hiện “Cách mạng Xanh” kể từ Hội nghị COP26 đến nay.
Ông Lâm cũng nhận định hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ trong năm 2024 có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.
Đối với không khí lạnh, chuyên gia Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết sau đợt không khí lạnh mạnh cuối tháng 1/2024, dự báo không khí lạnh sẽ hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm nên khả năng xảy ra rét đậm, rét hại trong tháng 2-3/2024 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, nhất là trong tháng Hai, có thể gây rét đậm, rét hại trên diện rộng và nguy cơ xảy ra băng tuyết ở khu vực vùng núi cao Bắc Bộ,” ông Lâm lưu ý.
Về khô hạn, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm cảnh báo nguy cơ thiếu nước nửa đầu năm thiếu nước ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 tại Đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không khốc liệt như năm 2015-2016, 2019-2020.
Giảm thiểu rủi ro thiên tai sạt lở: Cần phải cảnh báo và hành động sớm
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh để giảm thiểu rủi ro thiên tai sạt lở, việc quan trọng là cần phải cảnh báo sớm và các địa phương phải có hành động sớm đối với các điểm xung yếu.
Dự báo các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2-3 (từ ngày 8-13/2, từ 22-27/2, từ 18-25/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4 (từ 8-13/3, từ 22-27/3, từ 7-12/4, từ 21-26/4).
Trước thực tế trên, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm cho biết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ phối hợp với các đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ phát hành các bản tin dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
“Căn cứ vào tình xâm nhập mặn tại địa phương, các đài khí tượng thủy văn tỉnh phát hành các bản tin dự báo mặn vào các ngày 10, 20 và ngày cuối tháng, thời gian phát hành bản tin từ tháng 1-5/2024,” ông Lâm lưu ý.
Cũng trong năm 2024, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là công tác theo dõi, cảnh báo, dự báo sớm các đợt thiên tai.
Đặc biệt, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương; các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản…
“Năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bắt đầu phối hợp với địa phương để triển khai ‘Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam’ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27/10/2023. Đây là một đề án lớn thực hiện trong 5 năm tới, với kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan đến thiên tai lũ quét, sạt lở đất,” ông Lâm nói./.