Báo động nền kinh tế toàn cầu đứng bên bờ vực suy thoái

Theo trang mạng rappler.com, nền kinh tế toàn cầu, vẫn quay cuồng với dịch COVID-19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đang đối mặt với một viễn cảnh ngày càng ảm đạm và không chắc chắn.
Báo động nền kinh tế toàn cầu đứng bên bờ vực suy thoái ảnh 1Người dân Ukraine được sơ tán từ thành phố Mariupol tới thành phố Zaporizhzhia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng rappler.com/blogs.imf.org đưa tin, nền kinh tế toàn cầu, vẫn quay cuồng với dịch COVID-19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đang đối mặt với một viễn cảnh ngày càng ảm đạm và không chắc chắn.

Nhiều rủi ro được ghi nhận trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng 4/2022 đã bắt đầu trở thành hiện thực. Lạm phát cao hơn dự kiến, đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Âu, đang dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu.

Sự suy giảm của Trung Quốc tồi tệ hơn dự đoán trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và áp đặt phong tỏa, đồng thời có thêm những tác động tiêu cực từ cuộc chiến ở Ukraine. Do đó, sản lượng toàn cầu giảm trong quý 2 năm nay.

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới cập nhật hôm 26/7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, cảnh báo nguy cơ tăng trưởng giảm do lạm phát cao và cuộc chiến ở Ukraine đang hiện thực hóa và có thể đẩy nền kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái nếu không được kiểm soát.

Cụ thể, IMF cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế toàn cầu sẽ chậm lại còn 3,2% vào năm 2022, so với mức dự báo 3,6% được đưa ra hồi tháng Tư vừa qua. IMF cũng nói thêm rằng GDP thế giới giảm trong quý 2/2022 do tốc độ tăng trưởng chậm ở Trung Quốc và Nga.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 2,9% so với ước tính 3,6% hồi tháng Tư năm nay, với lý do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ hơn. Tăng trưởng toàn cầu đã phục hồi trong năm 2021 lên 6,1% sau khi đại dịch COVID-19 khiến sản lượng toàn cầu năm 2020 giảm 3,1%.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nói: “Triển vọng trở nên u ám hơn kể từ tháng 4 năm nay. Thế giới có thể sẽ sớm đứng bên bờ vực suy thoái toàn cầu, chỉ hai năm sau cuộc suy thoái gần đây nhất.”

Ông nói thêm: “Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, gồm Mỹ, Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đang đình trệ, gây ra những hậu quả đáng kể cho triển vọng toàn cầu.

Lệnh cấm vận khí đốt của Nga “có vẻ hợp lý”

IMF cho biết các dự báo mới nhất của họ “cực kỳ không chắc chắn” và có thể tiếp tục giảm do cuộc chiến của Nga ở Ukraine đẩy giá năng lượng và lương thực leo thang. Điều này sẽ làm trầm trọng hơn lạm phát và kéo theo kỳ vọng lạm phát dài hạn sẽ thúc đẩy thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

[Kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện rõ hơn]

Các rủi ro đối với triển vọng kinh tế bao gồm: Cuộc chiến ở Ukraine có thể dẫn đến việc khí đốt của Nga xuất sang châu Âu bị dừng đột ngột;

Lạm phát có thể vẫn ở mức cao nếu thị trường lao động vẫn quá thắt chặt hoặc kỳ vọng lạm phát trở nên không được kiểm soát, hoặc giảm phát gây thiệt hại hơn dự kiến;

Việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu có thể làm gia tăng tình trạng nợ quá mức ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển;

Các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới và việc phong tỏa có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc hơn nữa;

Giá lương thực và năng lượng tăng có thể dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực trên diện rộng và gây bất ổn xã hội;

Sự phân chia địa chính trị có thể cản trở thương mại và hợp tác toàn cầu.

Theo một kịch bản thay thế “hợp lý” bao gồm việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu vào cuối năm nay và xuất khẩu dầu mỏ của Nga giảm thêm 30%, IMF cho biết tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,6% trong năm 2022 và 2% trong năm 2023, với mức tăng trưởng hầu như bằng 0 ở châu Âu và Mỹ vào năm tới.

Nhà kinh tế trưởng Gourinchas cho biết tăng trưởng toàn cầu đã giảm xuống dưới mức 2% chỉ 5 lần kể từ năm 1970 - vào các năm 1973, 1981, 1982, 2009 (do suy thoái) và năm 2020 (do đại dịch COVID-19).

IMF hiện dự kiến tỷ lệ lạm phát năm 2022 ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ chạm mức 6,6%, tăng so với mức 5,7% của dự báo hồi tháng Tư vừa qua, đồng thời cho biết lạm phát sẽ tiếp tục tăng so với dự đoán trước đây. Lạm phát ở các thị trường mới nổi và đang phát triển hiện dự kiến sẽ cán mốc 9,5% trong năm 2022, tăng so với mức 8,7% theo dự báo hồi tháng Tư.

Mỹ, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

Đối với Mỹ, hôm 12/7 vừa qua, IMF đã dự báo mức tăng trưởng 2,3% cho năm 2022 và 1% cho năm 2023, do sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Trong khi đó, IMF cũng cắt giảm sâu dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc từ mức 4,4% đưa ra hồi tháng Tư xuống 3,3%, với lý do dịch COVID-19 bùng phát và tình trạng phong tỏa trên diện rộng ở các thành phố lớn đã làm hạn chế sản xuất và làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

IMF cũng cho biết cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã kéo doanh thu và đầu tư vào bất động sản giảm. Sự hỗ trợ tài chính bổ sung từ chính quyền Bắc Kinh có thể cải thiện triển vọng tăng trưởng, nhưng sự suy giảm kéo dài ở Trung Quốc do các đợt bùng phát dịch COVID-19 quy mô lớn hơn và các đợt phong tỏa sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ.

IMF đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng của Eurozone trong năm 2022 từ 2,8% hồi tháng 4 xuống 2,6%, phản ánh tình trạng lạm phát lan rộng do cuộc chiến ở Ukraine. Đặc biệt Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã bị IMF cắt giảm sâu dự báo tăng trưởng cho năm 2022 từ 2,1% xuống 1,2%.

Nền kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm 6% trong năm nay và giảm thêm 3,5% vào năm 2023 do các biện pháp trừng phạt tài chính và năng lượng của phương Tây - “sự suy giảm khá nghiêm trọng,” chuyên gia Gourinchas nhận định.

Tuy nhiên, con số này cho thấy sự cải thiện so với dự báo giảm 8,5% hồi tháng Tư, nhờ các biện pháp mà Moskva thực hiện để ổn định khu vực tài chính, giúp hỗ trợ nền kinh tế trong nước.

Các ưu tiên chính sách

Nhà kinh tế trưởng của IMF nhận xét: “Lạm phát ở mức hiện nay cho thấy một rủi ro rõ ràng đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô ở hiện tại và trong tương lai, và việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu của các ngân hàng trung ương nên là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.”

Báo động nền kinh tế toàn cầu đứng bên bờ vực suy thoái ảnh 2Logo của Quỹ tiền tệ quốc tế tại trụ sở ở Washington DC., Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phản ứng với dữ liệu mới, các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế tiên tiến lớn đang rút hỗ trợ tiền tệ nhanh hơn dự kiến của IMF hồi tháng Tư, trong khi nhiều ngân hàng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái.

Kết quả là việc thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu đồng bộ chưa từng có trong lịch sử giữa các ngân hàng trung ương, làm chậm tăng trưởng toàn cầu trong năm tới và gây áp lực đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi. Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn chắc chắn sẽ phải trả giá về mặt kinh tế thực tế, nhưng việc trì hoãn nó “sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những khó khăn.” Các ngân hàng trung ương “nên duy trì xu hướng cho đến khi lạm phát được kiểm soát.”

Hỗ trợ ngân sách có mục tiêu có thể giúp giảm bớt tác động đến những người dễ bị tổn thương nhất. Nhưng với việc ngân sách của chính phủ bị kéo căng do đại dịch và nhu cầu về một chính sách kinh tế vĩ mô giảm lạm phát tổng thể, việc bù đắp hỗ trợ có mục tiêu bằng chính sách tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu chính phủ sẽ đảm bảo rằng chính sách tài khóa không làm cho chính sách tiền tệ trở nên khó khăn hơn.

Khi các nền kinh tế tiên tiến tăng lãi suất để chống lạm phát, các điều kiện tài chính đang được thắt chặt, đặc biệt là đối với các đối tác thị trường mới nổi của họ. Các quốc gia nên sử dụng một cách thích hợp các công cụ bảo mật vĩ mô để đảm bảo sự ổn định tài chính. Khi tỷ giá hối đoái linh hoạt không đủ để hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần sẵn sàng thực hiện các biện pháp can thiệp ngoại hối hoặc các biện pháp quản lý dòng vốn trong một kịch bản khủng hoảng.

Những thách thức như vậy xảy ra vào thời điểm nhiều quốc gia thiếu không gian tài chính, với tỷ lệ các quốc gia thu nhập thấp hoặc có nguy cơ cao gặp khó khăn về nợ là 60%, tăng so với khoảng 20% của một thập kỷ trước. Chi phí đi vay cao hơn, dòng vốn tín dụng giảm, đồng USD mạnh hơn và tăng trưởng yếu hơn sẽ càng khiến nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng.

Trong khi đó, các cơ chế xử lý nợ vẫn còn chậm và khó dự đoán, bị cản trở bởi những khó khăn trong việc đạt được các thỏa thuận phối hợp từ các chủ nợ. Những tiến bộ gần đây trong việc thực hiện Khuôn khổ chung của G20 là đáng khích lệ, nhưng vẫn cần khẩn trương cải thiện hơn nữa.

Các chính sách trong nước để đối phó các tác động của giá năng lượng và lương thực tăng nên tập trung vào những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất mà không làm sai lệch giá cả. Các chính phủ nên hạn chế tích trữ lương thực và năng lượng, thay vào đó tìm cách dỡ bỏ các rào cản thương mại, chẳng hạn như lệnh cấm xuất khẩu lương thực vốn đẩy giá toàn cầu tăng cao hơn. Khi dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn, các chính phủ phải đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, giải quyết các nút thắt trong phân phối vaccine và đảm bảo tiếp cận điều trị một cách công bằng.

Như nhà kinh tế trưởng của IMF Gourinchas đã nói, viễn cảnh kinh tế thế giới đã trở nên u ám hơn. Thế giới có thể sẽ sớm chao đảo bên bờ vực của cuộc suy thoái toàn cầu. Hợp tác đa phương sẽ là chìa khóa quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ chống biến đổi khí hậu và chuẩn bị cho đại dịch đến an ninh lương thực và nợ nần chồng chất. Trong bối cảnh có nhiều thách thức và xung đột lớn, tăng cường hợp tác vẫn là cách tốt nhất để cải thiện triển vọng kinh tế và giảm thiểu nguy cơ phân mảnh địa kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục