Báo động tình trạng thanh niên Hàn Quốc sống biệt lập với xã hội

Hơn 62% số thanh niên bị cô lập hoặc sống ẩn dật cho biết họ đã trải qua các vấn đề về tình cảm gia đình trước tuổi trưởng thành, trong khi gần 58% cho biết gia đình họ đột ngột gặp khó khăn kinh tế.
Báo động tình trạng thanh niên Hàn Quốc sống biệt lập với xã hội ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: restofworld.org)

Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn kết quả một cuộc khảo sát do chính quyền thành phố Seoul thực hiện công bố ngày 18/1 cho thấy cứ 20 thanh niên thì có 1 người sống cô độc hoặc biệt lập với xã hội, với lý do chủ yếu là gặp khó khăn trong tìm việc làm hoặc các vấn đề về tinh thần.

Theo chính quyền thủ đô Seoul, cuộc khảo sát được tiến hành trực tuyến đối với hơn 6.900 thanh niên từ 19-39 tuổi nhằm nắm bắt tình hình thực tế về cuộc sống cũng như tình trạng thanh niên sống biệt lập và ẩn dật tại địa bàn.

Khái niệm “biệt lập” được xem là những trường hợp đã hơn 6 tháng bị cô lập về mặt tình cảm và vật lý, còn “ẩn dật” là những trường hợp không hề ra ngoài hơn 6 tháng hoặc không có hoạt động tìm việc làm trong 1 tháng gần nhất.

[Những dấu hiệu nhận biết trẻ vị thành niên có thể tự tử]

Kết quả cho thấy có 4,5% số thanh niên ở Seoul đang sống biệt lập và ẩn dật trong tổng số đối tượng tham gia khảo sát.

Nếu áp dụng tỷ lệ này với dân số Seoul thì sẽ lên tới 129.000 người, còn nếu áp dụng với tổng dân số Hàn Quốc thì có khoảng 610.000 thanh niên đang sống cô độc và ẩn dật.

Cuộc khảo sát cho thấy có 3 lý do lớn nhất dẫn đến sự cô lập xã hội như vậy gồm thất nghiệp hoặc khó tìm việc làm ở mức 45,5%, khó khăn về tâm lý ở mức 40,9% và các vấn đề trong mối quan hệ với người khác ở mức 40,3%.

Ngoài ra, có 18,5% số thanh niên sống biệt lập, ẩn dật cho biết đang dùng thuốc liên quan đến bệnh thần kinh (cao gấp hai lần so với những thanh niên bình thường) và có tới 80% số thanh niên sống cô độc, ẩn dật đang bị trầm cảm trên mức nhẹ.

Hơn 62% số thanh niên bị cô lập hoặc sống ẩn dật cho biết họ đã trải qua các vấn đề về tình cảm gia đình trước tuổi trưởng thành, trong khi gần 58% cho biết gia đình họ đột ngột gặp khó khăn về kinh tế.

Hơn 57% cho biết họ đã bị bắt nạt ở trường.

Trong số những người sống cô độc hoặc sống ẩn dật, 28,1% cho biết họ đã ở trong tình trạng như vậy chưa đầy 3 năm, với 16,7% nói rằng hơn 3 năm và 11,5% hơn 10 năm.

Chính quyền thành phố Seoul hiện đang thực hiện dự án hỗ trợ thông qua một trung tâm phục hồi, sau khi lập dự thảo điều lệ để làm căn cứ hỗ trợ từ năm 2020.

Sớm nhất là từ tháng 3 tới, thành phố sẽ mở rộng chương trình hỗ trợ như liên kết với các cơ quan y tế, lập các dự án cụ thể để giúp đỡ những đối tượng trên có thể hòa nhập lại với xã hội để có cuộc sống an toàn và yên bình hơn.

Các hình thức hỗ trợ gồm hỗ trợ kinh tế, các chương trình theo sở thích hoặc thể thao, cơ hội việc làm hoặc học tập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục