Theo các chuyên gia, với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều thức thức khó lường, nhiệm vụ tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả kinh doanh là vấn đề đặt ra với mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế chung, ngành tài chính bảo hiểm nói riêng.
Tuy nhiên, để có một cuộc "cách mạng" thành công, các chuyên gia cho rằng vấn đề then chốt là phải tăng được năng suất lao động thông qua sự phối hợp, cộng lực giữa các lĩnh vực trong ngành.
Tuy nhiên, để có một cuộc "cách mạng" thành công, các chuyên gia cho rằng vấn đề then chốt là phải tăng được năng suất lao động thông qua sự phối hợp, cộng lực giữa các lĩnh vực trong ngành.
Đây cũng là nội dung của cuộc Hội thảo khoa học "trao đổi kinh nghiệm quốc tế về tái cấu trúc của các tập đoàn tài chính bảo hiểm trên thế giới" do Bộ Tài chính và Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt phối hợp tổ chức vào ngày 14/2.
Năng suất lao động là then chốt
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ chỉ rõ “nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong năm 2012 là tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung vào đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính nhằm tăng cường hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước trong đó doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung.”
Cũng theo Bộ trưởng, tái cấu trúc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải xem xét từ nhiều góc độ, với nhiều kiến thức quản lý và cơ sở khoa học làm nền tảng và chắc chắn không thể thiếu những kinh nghiệm thực tiễn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam rất cần học hỏi kinh nghiệm giúp định hướng các vấn đề trọng tâm của tái cấu trúc các tập đoàn tài chính, bảo hiểm, ngân hàng phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Khái quát về xu thế tái cấu trúc toàn cầu và đưa ra các vấn đề cụ thể của Việt Nam, ông Marco Brue, Tổng giám đốc Công ty Mckinsey & Company Việt Nam cho rằng, con đường phía trước của Việt Nam dường như sẽ không còn bằng phẳng như trước đây, khi mà tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động sẽ có sự suy giảm trong thập kỷ tới. Theo đó, tốc độ trung bình hàng năm giảm từ 2,8 như hiện nay xuống còn 0,6%.
“Do vậy, để duy trì được thành tích tăng trưởng trong những năm gần đây, Việt Nam cần nâng cao tốc độ tăng trưởng năng suất lao động lên gấp 1,5 lần so với hiện nay. Sự tăng tốc này là mục tiêu đầy thách thức, câu hỏi đặt ra là có khả thi không và có thành tích nào có không, câu trả lời là có nhưng rất ít. Chỉ có hai điển hình, Hàn Quốc từ xuất phát điểm của những năm 80 (tương đương Việt Nam hiện giờ) và đại diện Trung Quốc,” ông Marco Brue nhấn mạnh.
Nhóm tác giả đến từ Công ty Mckinsey & Company đã đưa ra kiến nghị giải pháp, đối với toàn bộ nền kinh tế, một chương trình hành động tiềm năng cần đảm báo với bốn nội dung chính: Sự ổn định cho kinh tế vĩ mô và lĩnh vực tài chính; Củng cố các tác nhân nâng cao năng suất và tạo ra tăng trưởng; Xây dựng các chính sách phù hợp với đặc thù của từng ngành để khuyến khích nâng cao năng suất; Tiếp tục tăng cường năng lực thực thi của Chính phủ để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dựa vào năng suất. Cụ thể đối với doanh nghiệp nhà nước, việc nâng cao năng suất là yêu cầu then chốt và không thể thiếu.
Sức mạnh từ phối hợp
Riêng trong lĩnh vực tài chính, các diễn giả cho rằng, lợi thế ở Việt Nam là tập đoàn tài chính nhà nước có thương hiệu uy tín, có vị thế mạnh trên thị trường. Do đó, sự phối kết hợp kinh doanh giữa các lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm... sẽ tạo lên sức mạnh và hiệu ứng cộng hưởng.
Các chuyên gia cũng đều cho rằng, nền kinh tế ổn định xuất phát từ nền tài chính vững vàng, và ngành bảo hiểm giữ một vị trí rất quan trọng. Vì thế, thị trường bảo hiểm Việt Nam cần phải tích hợp các dịch vụ thuộc lĩnh vực tài chính. Trên thế giới, các tập đoàn bảo hiểm quốc tế đều tham gia rộng trong lĩnh vực quản lý tài sản, một số cũng tham gia hoặc hợp tác tích cực với khối ngân hàng trong hoạt động phân phối.
Đơn cử, tại một tập đoàn kinh tế tài chính như Bảo Việt, sự cộng lực giữa các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm là rất tự nhiên. Qua đó, tập đoàn sẽ lớn mạnh trong sự tới phối hợp về bán chéo sản phẩm, ngoài ra còn có sự cộng lực khác về công nghệ… Xu hướng phát triển này sẽ giúp tập đoàn tăng trưởng cả về hai yếu tố cơ bản là vốn và công nghệ (IT, Call Center, Sản phẩm...).
Song để sự cộng hưởng phát huy tốt, tập đoàn tài chính không nên chỉ dừng ở việc phối hợp đa lĩnh vực hỗ trợ cho kinh doanh chính của mình, mà cần phải đảm bảo các đơn vị thành viên có đủ khả năng thực hiện tốt trong từng lĩnh vực chuyên môn.
Ông Ranjit Tinaikar, Giám đốc Công ty Mckinsey & Company Ấn Độ đưa ra một số kinh nghiệm thực tiễn, muốn thành công trong quá trình tái cấu trúc kết hợp đa lĩnh vực kinh doanh, quy trình quản lý của tập đoàn phải chặt, bởi để đạt được sự thống nhất trong hệ thống tài chính lớn như vậy hoàn toàn không dễ dàng. Các tập đoàn mới nổi thường hướng tới việc các áp dụng cơ chế kiểm soát mạnh đối với các bộ phận chức năng then chốt.
Ngoài ra, các diễn giả cũng nhấn mạnh, thông thường các doanh nghiệp khi hợp nhất thường chú trọng tới những thách thức như mục tiêu tài chính, cấu trúc tài chính có hợp với nhau, nhưng vấn đề cần chú ý có yếu tố hàng đầu phải là hội nhập văn hóa và con người giữa các bên tham gia vào hệ thống.
Bà Nguyễn Thị Phúc Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, cũng khẳng định những kết quả mà Bảo Việt hiện có được là do có hướng đi nhất quán.
“Bảo Việt đã đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình chuyển đổi và phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa vào năm 2007. Cùng với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược Ngân hàng HSBC, Bảo Việt đang dần thích ứng với môi trường hoạt động ngày càng cạnh tranh và chủ động cải tiến mô hình kinh doanh, đổi mới mô hình quản trị nhằm đảm bảo vị thế dẫn đầu ngành tài chính-bảo hiểm tại thị trường Việt Nam,” bà Lâm nói./.
Linh Chi (Vietnam+)