Bảo hiểm xã hội: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động

Bảo hiểm xã hội Việt Nam kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong điều kiện dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp.
Bảo hiểm xã hội: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động ảnh 1Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, ngành bảo hiểm xã hội đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.

Về phía người lao động, người sử dụng lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 khi tình hình sản xuất đình trệ, thực hiện Chỉ thị số 11/CP-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/3/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Điều kiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất là doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra dẫn đến không bố trí được việc làm cho người; trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hai trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

Theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), hiện nay, tỷ lệ đóng vào các quỹ bảo hiểm xã hội (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất), bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là 32% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng. Trong đó, đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất chiếm tỷ trọng lớn với tỷ lệ là 22%, trên 2/3 tổng số tiền đóng vào các quỹ bảo hiểm. Do đó, việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có tác động không nhỏ, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.

Bảo hiểm xã hội: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động ảnh 2Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất cơ quan chức năng cho phép lùi thêm thời gian nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 ngay khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định. 

Trong trường hợp đến hết tháng 6/2020 mà dịch COVID-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì các địa phương gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12.

[Chi trả hơn 2.100 tỷ đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp trong quý 1]

Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều lao động cũng rơi vào tình trạng mất việc, tỷ lệ lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tăng 9-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã kịp thời nghiên cứu ban hành chính sách hưởng trợ cấp thất nghiệp dành riêng cho những lao động bị cách ly để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ có chính sách đối với các trường hợp người lao động bị thất nghiệp đang chờ nhận trợ cấp thất nghiệp phải đi cách ly y tế hoặc bị nhiễm COVID-19. Những người lao động này nếu bị cách ly không thể đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp theo thời hạn quy định.

Bảo hiểm xã hội: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động ảnh 3Tỷ lệ lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tăng 9-10% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, hiện nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất cơ quan chức năng cho phép lùi thêm thời gian nhận tiền trợ cấp thất nghiệp bằng thời gian cách ly y tế hoặc điều trị do nhiễm COVID-19 để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Quy định này chỉ ảnh hưởng đối với những trường hợp không đến nhận tiền nhưng gần quá thời hạn 3 tháng kể từ ngày hết hạn hưởng ghi trên quyết định.

Như vậy, việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong điều kiện dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp. Các chính sách này đã góp phần vào việc chung tay thực hiện nhiệm vụ kép mà Thủ tướng Chính phủ vừa giao, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần duy trì, ổn định, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục