Trong những ngày qua, sự đóng góp tích cực của Cuba trong cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola ở Tây Phi đã nhận được sự đánh giá cao không chỉ của các nước thành viên Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) và các nước "ổ dịch" ở Tây Phi, mà còn của cả báo giới Mỹ.
Nhật báo The New York Times của Mỹ đăng bài xã luận ca ngợi việc Cuba cử hàng trăm y, bác sỹ tới các "ổ dịch" ở Tây Phi là "hành động đáng khen ngợi," cần được noi theo và có "đóng góp to lớn."
Theo bài báo vốn được báo chí Cuba trích dẫn lại, những nỗ lực này giúp Cuba trở thành quốc gia có vai trò nổi bật nhất trong cuộc chiến ngăn chặn dịch Ebola lây lan và chính quyền Mỹ cần hợp tác với Cuba trong nỗ lực chung này.
Tờ báo ủng hộ lời kêu gọi của lãnh tụ Cuba, Fidel Castro về việc hai nước nên gạt sang một bên những bất đồng để có thể hợp tác chống mối đe dọa toàn cầu này, đồng thời hối thúc Mỹ ủng hộ công việc của các nhân viên y tế Cuba cũng như hỗ trợ tích cực cho những người không may nhiễm bệnh trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Tờ báo viết: "Mặc dù Mỹ và một số nước tuyên bố sẵn sàng đóng góp tài chính, song duy nhất chỉ có Cuba và một số ít tổ chức phi chính phủ đang đóng góp thứ thiết yếu nhất hiện nay: đó là các chuyên gia y tế sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân."
Trong một bài viết đăng trên nhật báo Granma của Cuba cuối tuần qua, lãnh tụ Fidel Castro khẳng định Cuba đã nhanh chóng đáp lại kêu gọi hỗ trợ y tế của các tổ chức quốc tế trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh quái ác hoành hành ở Tây Phi.
Cuba luôn hành động như vậy trước những đề nghị hợp tác về y tế và nhân đạo mà không suy tính tới bất cứ sự phân biệt nào. Các nhân viên y tế Cuba sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu với tinh thần và nỗ lực cao nhất để cứu người cho dù có phải hy sinh tính mạng. Đó là tấm gương cao cả về tình đoàn kết, đặc biệt khi việc làm đó không liên quan đến lợi ích vật chất mà chỉ giúp ngăn chặn dịch lây lan.
Trong diễn biến liên quan, ngày 20/10, Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) đã tổ chức hội nghị bất thường tại Cuba để thảo luận và thống nhất các biện pháp phòng chống, cũng như kế hoạch hành động chống dịch bệnh Ebola đang bùng phát mạnh ở Tây Phi.
Với sự tham dự của nguyên thủ các nước thành viên, đại diện của Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chủ tịch nước chủ nhà Raul Castro đã có bài phát biểu quan trọng kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực hành động khẩn trương để đối phó được với nạn dịch nguy hiểm này.
Theo ông, đây là một thách thức lớn đối với nhân loại, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động dưới sự điều hành của WHO và các phái bộ của Liên hợp quốc. Chủ tịch Cuba khẳng định nếu không ngăn chặn và giải quyết hiệu quả, dịch bệnh Ebola ở Tây Phi sẽ trở thành đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử loài người.
Cũng trong bài phát biểu, Chủ tịch Raul Castro thông báo Cuba sẽ tiếp tục gửi thêm hai nhóm y bác sỹ gồm 91 người tới châu Phi trong những ngày tới để tiếp tục nỗ lực chống lại căn bệnh nguy hiểm đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người ở châu lục đen. Trước đó, Cuba đã cử 165 y bác sỹ tới Sierra Leona theo đề nghị của Liên hợp quốc và WHO.
Tại hội nghị bất thường của ALBA, các nhà lãnh đạo đã thông qua kế hoạch hành động nhằm giúp các nước thành viên ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập và bảo vệ người dân.
Hội nghị ủng hộ những đóng góp của Cuba - với tư cách là nước tiên phong trong khu vực - tham gia các hoạt động chống Ebola ở Tây Phi, đồng thời nhấn mạnh tới các biện pháp phòng ngừa dịch như khởi động mạng lưới giám sát dịch bệnh, tăng cường kiểm soát hệ thống cửa khẩu của tất cả các nước thành viên, xây dựng chiến dịch tuyên truyền về dịch bệnh Ebola cho người dân và đào tạo gấp đội ngũ nhân viên y tế tham gia trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, ALBA cũng nhất trí sẽ thành lập một trung tâm kiểm soát chung về bệnh Ebola bên cạnh các nhóm phản ứng nhanh chịu trách nhiệm khi xảy ra tình trạng khẩn cấp ở các nước thành viên.
Theo số liệu của WHO, dịch Ebola đã làm 4.555 người thiệt mạng trong số 9.216 trường hợp nhiễm bệnh. Liberia, Sierra Leone và Guinea là các quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tuy nhiên đã xuất hiện những hy vọng về thành công trong nỗ lực khống chế virus Ebola khi Nigeria mới đây đã được WHO tuyên bố thoát dịch do không có thêm ca nhiễm mới trong 42 ngày. Trước đó, Senegal cũng được WHO công bố thoát dịch./.