Gần đây có một xu hướng nổi lên trên một số nền tảng mạng xã hội như TikTok về cách “tùy chỉnh” đơn hàng Starbucks để đồ uống có hương vị giống như một loại càphê đá của Việt Nam.
Trong bài viết đăng tải ngày 28/6, CNN cho biết ngày càng có nhiều người đăng bài hướng dẫn cách đặt hàng “phiên bản đặc biệt” của loại “đồ uống ngọt có chứa caffein” mà những người sành sỏi thường dùng: Càphê muối.
Trang tin của Mỹ nhắc đến một quán càphê nhỏ, giản dị tại thành phố Huế - địa chỉ được nhiều người biết đến như nơi “phát minh” ra càphê muối. Tại đây, càphê được pha với sữa đặc có đường, trộn thêm kem muối - có thể uống nóng hoặc lạnh.
“Chúng tôi ‘chế’ ra càphê muối vào năm 2010 khi mở quán Cà Phê Muối đầu tiên tại số 10 Nguyễn Lương Bằng” - đồng chủ quán Hồ Thị Thanh Hương và Trần Nguyên Hữu Phong nói với CNN Travel.
“Sự kết hợp giữa càphê đen, sữa đặc và muối và tạo nên hỗn hợp kem làm dịu vị đắng của càphê và cân bằng vị ngọt của sữa.”
Chia sẻ về tên gọi “càphê muối,” chị Hương và anh Phong chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng tên gọi này sẽ thu hút mọi người, vì thường mọi người luôn cho rằng càphê đen chỉ có đường hoặc sữa…
Chúng tôi nghĩ rằng nếu muốn mở một quán càphê, chúng tôi cần làm gì đó khác biệt để thu hút khách hàng: Hương vị càphê muối sẽ giữ chân họ.”
“Chiến lược” này đã tỏ ra hiệu quả. Người dân địa phương và khách du lịch tò mò bắt đầu ghé thăm và họ thích đồ uống “không giống ai” này.
Chị Hương và anh Phong cho biết thêm: “Người Huế có thói quen uống càphê đen pha đường hoặc sữa nên càphê có vị mặn được coi là thức uống lạ. Chúng tôi thực sự biết ơn những khách hàng đầu tiên, họ đã sẵn lòng thử và phản hồi để chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện hương vị.”
Không lâu sau đó, càphê muối được biết đến như một thức uống đặc sản ở Huế, và nhiều quán càphê trên khắp Việt Nam cũng bắt đầu thử cách pha chế tương tự.
“Càphê muối dường như trở thành xu hướng ở Việt Nam sau những năm đại dịch COVID-19” - hai chủ quán cho biết. “Ở Huế, càphê muối đã trở thành đồ uống hằng ngày như càphê đen hay nâu.”
Hiện Cà Phê Muối còn đóng chai càphê muối để bán ở nhiều thành phố khác ở Việt Nam.
Trong khi đó, các chi nhánh Starbucks tại Việt Nam cũng bước chân vào làn sóng càphê muối với việc cho ra mắt “phiên bản” càphê muối của riêng mình hồi tháng Năm năm nay.
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất thêm muối vào càphê. Năm ngoái, một bài báo trên Bon Appetit cho biết truyền thống này đã có từ hàng trăm năm trước ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và Siberia - nơi người ta thêm muối vào đồ uống để tăng hương vị.
Việt Nam, quốc gia chủ yếu trồng hạt càphê robusta, là nước xuất khẩu càphê lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Theo Hội đồng Thương mại Quốc tế, xuất khẩu càphê của Việt Nam đã đạt 2,9 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi càphê muối trở nên phổ biến tại các quán càphê ở Huế và xuất hiện thường xuyên trong các thực đơn trên khắp Việt Nam” - CNN bình luận.
“Càphê đủ loại”
Các quán càphê ở Việt Nam có đủ loại, từ những quầy hàng “nhỏ xíu” với những chiếc ghế nhựa trên vỉa hè, cho đến những quán hiện đại, sang trọng với lò rang càphê ngay tại chỗ.
Càphê Việt Nam truyền thống được pha bằng phin, được đặt trên cốc hoặc ấm. Nhiều người thích khuấy một hoặc hai thìa sữa đặc vào tách càphê của mình.
Theo CNN, càphê muối chỉ là một trong số nhiều loại càphê đặc trưng của Việt Nam có thể khiến những người chưa từng nếm thử phải ngạc nhiên.
“Có lẽ nổi tiếng nhất trong số đó là càphê trứng. Được ‘phát minh’ tại Hà Nội, công thức giống như món tráng miệng thêm một lớp lòng đỏ trứng đánh tan cùng sữa đặc hòa vào càphê.
Ngoài ra còn có càphê cốt dừa, trong đó càphê được trộn với nước cốt dừa và đá - một thức uống mát lạnh có hương vị nhiệt đới. Có cả sinh tố càphê: Càphê được kết hợp với trái cây như chuối hoặc bơ để tạo ra một loại sinh tố.
Cuối cùng là sữa chua càphê: Càphê đen hòa cùng sữa chua sánh ngậy như kem.”
CNN dẫn báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel công bố năm 2023 cho biết người tiêu dùng bên ngoài châu Á ngày càng quan tâm đến những trải nghiệm và hương vị càphê mới lạ này.
Khoảng 71% người tiêu dùng Gen Z được Mintel phỏng vấn tại Mỹ cho biết họ quan tâm đến việc thử các loại đồ uống càphê lấy cảm hứng từ châu Á, như càphê Việt Nam.
Tại Mỹ, 7 Leaves Café, một chuỗi quán càphê bán đồ uống Việt Nam, đã mở rộng với hơn 40 chi nhánh trên khắp cả nước sau quán đầu tiên được mở tại California vào năm 2011.
Nhiều quán càphê Việt Nam riêng lẻ cũng xuất hiện, trong đó Phin Ca Phe ở Seattle và Càphê Roasters ở Philadelphia là hai trong số những quán có bán càphê muối. Bên kia Đại Tây Dương, ở London, các quán như Caphe House cung cấp nhiều loại càphê Việt Nam, bao gồm càphê trứng.
Trở lại với Huế, chị Hương và anh Phong cho biết: “Chúng tôi vui và đôi chút tự hào vì đã tạo ra một thức uống được nhiều người ưa thích và thậm chí được coi là đặc sản của Huế.”./.
Sáu kiểu thưởng thức càphê đậm chất Việt
Mới đây, Michelin gợi ý 6 ly càphê nổi bật theo phong cách Việt, vừa truyền thống vừa hiện đại như càphê sữa đá, càphê trứng hay cà phê muối.