Theo chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 4 chương và 18 điều.
Về việc bổ sung quy định không thu thuế giá trị gia tăng đối với một số loại hàng hóa nhập khẩu trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất nhập khẩu và miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, nhiều ý kiến đề nghị thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.
Bên cạnh đó, có ý kiến đồng tình miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa giá trị nhỏ song cần phân biệt các trường hợp, cụ thể: Đối với trường hợp kinh doanh thì phải thu thuế; đối với trường hợp hành lý mang theo của người xuất, nhập cảnh thì miễn thuế.
Có ý kiến đề nghị không bổ sung nội dung miễn thuế đối với hàng là tài sản di chuyển, hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.
Liên quan đến các nội dung này, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho hay Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành và dự thảo Luật không quy định việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.
Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thu thuế giá trị gia tăng, đặc biệt là đối với giao dịch mua bán các hàng hóa này thông qua nền tảng số và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Trên thực tế, hàng ngày đang có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử; hàng ngày trung bình có 45-63 triệu USD hàng giá trị nhỏ đã không được thu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Hiện nay, Chính phủ đang dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Cơ quan soạn thảo đã dự kiến khi ban hành Nghị định này sẽ chấm dứt hiệu lực của quy định miễn thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tại Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg để có thể mở rộng, bao quát nguồn thu và phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không trái với cam kết quốc tế. Điều này sẽ làm tăng số thu về thuế giá trị gia tăng từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đối với hàng hóa.
Về đối tượng không chịu thuế, có ý kiến đề nghị bỏ quy định đối với trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào tại khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật.
Việc tiếp tục giữ quy định này của Luật hiện hành là không phù hợp nguyên tắc của thuế giá trị gia tăng là chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế giá trị gia tăng; đồng thời, đã làm mất số thu của các địa phương có sản lượng nông nghiệp lớn.
Chính sách này là cần thiết khi các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy tự tạo nhưng không còn phù hợp khi các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử có nối mạng trực tiếp với cơ quan thuế để theo dõi tình hình thu nộp ngân sách...
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị bỏ quy định này tại khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành với 5 nhóm nội dung mà cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị, các cơ quan tiếp tục rà soát, thể hiện thành quy định phù hợp trong dự thảo Luật, bảo đảm về mặt nội dung cũng như kỹ thuật lập pháp.
Về các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, Chủ tịch Quốc hội thống nhất với phương án của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, bảo đảm nguyên tắc “chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế giá trị gia tăng.”
Việc bổ sung quy định “trường hợp hàng hóa chưa được người bán kê khai nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế” sẽ giải quyết được quan ngại của cơ quan soạn thảo về việc kiểm soát và khắc phục tình trạng gian lận hóa đơn.
Đối với nội dung về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, nhiều ý kiến thảo luận bày tỏ nhất trí với quy định mức ngưỡng doanh thu trong dự thảo Luật và quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ.
Tuy nhiên, về ngưỡng cụ thể, các cơ quan cần tiếp tục phối hợp, đánh giá tác động, lựa chọn phương án phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính-Ngân sách phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, thống nhất các nội dung trong dự thảo Luật, bảo đảm các ý kiến được tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục; bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi luật, đặc biệt là tính thống nhất với hệ thống pháp luật, không tạo ra khoảng trống pháp lý.../.
Từ ngày 1/7-31/12/2024, giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%
Theo Nghị định 72, cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.