Bão số 2 di chuyển xuống Vịnh Bắc Bộ có xu hướng suy yếu về cường độ

Dự báo từ nay đến 7 giờ ngày 11/8, bão số 2 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bão số 2 di chuyển xuống Vịnh Bắc Bộ có xu hướng suy yếu về cường độ ảnh 1Người dân trên bãi biển Đồ Sơn chằng giữ đồ phòng chống bão. (Ảnh: Hoàng Ngọc/ TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào 19 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 180 km về phía Đông Đông Bắc, cách Quảng Ninh khoảng 180 km về phía Đông Nam, cách Nam Định 300 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110 km tính từ tâm bão.

Dự báo từ nay đến 7 giờ ngày 11/8, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7 giờ ngày 11/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh-Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61 km/giờ), giật cấp 9. 

Từ 7 giờ ngày 11/8 đến 19 giờ ngày 11/8, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động hoạt động khác trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.    

Cảnh báo, đêm 10/8 và sáng 11/8, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh.

Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) tiếp tục có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4 m, biển động mạnh.

Cảnh báo, đêm 10/8 và sáng 11/8, khu vực ven biển Quảng Ninh-Ninh Bình nhiều khả năng có gió mạnh cấp 6, có nơi cấp 7, giật cấp 9; ven biển Thanh Hóa có gió mạnh cấp 5, giật cấp 8.

Tối 10/8, nhận định về diễn biến bão số 2, Trưởng Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, đến thời điểm 16 giờ ngày 10/8, bão số 2 đã vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Hải Nam (Trung Quốc) và bắt đầu di chuyển xuống Vịnh Bắc Bộ, tuy nhiên bão số 2 đã qua thời điểm mạnh nhất và cường độ đang có xu hướng suy yếu.

Hoàn lưu của bão đã tác động đến hầu khắp các khu vực Vịnh Bắc Bộ gây mưa rào và dông mạnh ở khu vực này. Tại khu vực đảo Bạch Long Vỹ gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trong những giờ tới, bão số 2 tiếp tục di chuyển xuống Vịnh Bắc Bộ và gây mưa dông mạnh và gió mạnh trên khu vực này.

Với hướng di chuyển của bão số 2 là theo hướng Tây Tây Bắc, đêm 10/8 và sáng 11/8, khu vực Vịnh Bắc Bộ tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, khu vực ven biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình vẫn có gió mạnh cấp 6-8, có nơi mạnh cấp 9.

Cùng với đó, từ đêm 10/8 đến hết ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ sẽ xảy ra một đợt mưa to, có nơi mưa rất to, (lượng mưa lớn sẽ tập trung trong đêm 10/8 và ngày 11/8 với tổng lượng mưa trong 24 giờ nhiều nơi trên 100 mm). Mưa lớn sẽ làm khu vực các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Trước đó, trong cuộc họp chỉ đạo về ứng phó với bão số 2 vào chiều 10/8 tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã đề nghị Tổng cục Khí tượng Thủy văn tập trung nhân lực, chuyên gia giỏi để ứng trực, đảm bảo dự báo định lượng mưa sát thực tế, hiệu quả, cảnh báo kịp thời nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho nhân dân…

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp làm Trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 2 tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Hải Phòng

Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, chiều 10/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng, chống bão tại thành phố Hải Phòng.

Đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống bão tại khu du lịch Đồ Sơn, cảng cá Ngọc Hải và một số khu vực đê xung yếu. 

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng báo cáo tại hiện trường, đến 17 giờ ngày 10/8, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Công văn chỉ đạo các địa phương, các ngành chủ động ứng phó với bão số 2. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành Công điện chỉ đạo các ngành đơn vị địa phương chủ động ứng phó với bão số 2; thông báo đình chỉ hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển từ 18 giờ ngày 10/8.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội Biên phòng phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản để thông báo, hướng dẫn cho ngư dân và các chủ phương tiện trên địa bàn, đặc biệt các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến bão để chủ động di chuyển phòng tránh.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã chỉ huy duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; kiểm tra, gia cố công trình đê điều, thủy lợi. Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai chỉ đạo các hạt quản lý đê tăng cường kiểm tra đê điều và chủ động xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố có thể phát sinh.

[Bão số 2 gây mưa to đến rất to tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa]

Tất cả các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó với bão.

Ông Nguyễn Đức Thọ cũng cho biết, đến 16 giờ ngày 10/8, đã có hơn 2.000 phương tiện cùng hơn 6.000 lao động đã được thông báo về diễn biến bão để chủ động phòng tránh. Các địa phương sẵn sàng phương án di dời hơn 7.000 người ở các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt và sạt lở.

Tại hiện trường, ông Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu thành phố Hải Phòng khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị ứng phó bão.

Các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền, lồng bè di chuyển về nơi tránh trú; kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn trọng điểm xung yếu; các công trình đang thi công; ttiếp tục tận dụng thủy triều, hạ thấp mực nước đệm trong hệ thống công trình thủy lợi; hệ thống thoát nước đô thị đề phòng mưa lớn và nước dâng do bão trong những ngày tới.

Hải Phòng cần kiểm tra, rà soát có biện pháp bảo vệ, di dời khách du lịch trên đảo Cát Bà, người ở khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt.

Hà Nội xây dựng phương án chống ngập, mất điện

Do ảnh hưởng của bão số 2, từ chiều 10/8, trên địa bàn nhiều quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội có mưa vừa và mưa to. Đến 17 giờ 30 cùng ngày, lượng mưa trên địa bàn Hà Nội chưa lớn, dao động từ 1mm đến 5mm nên chưa xảy ra úng ngập.

Bão số 2 di chuyển xuống Vịnh Bắc Bộ có xu hướng suy yếu về cường độ ảnh 2Mưa lớn kéo dài gây ngập tại Hà Nội. (Ảnh minh họa: Phạm Kiên/ TTXVN)

Tuy nhiên, theo dự báo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 10 và ngày 11/8, tại Hà Nội có thể sẽ có mưa to, gió lớn trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ ngập úng nhiều khu vực.

Do vậy, các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án ứng phó với cơn bão số 2, trên địa bàn Thủ đô.

Theo ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, hiện Công ty yêu cầu các đơn vị, xí nghiệp trực thuộc trực 24/24h nhằm theo dõi mực nước trên sông Hồng, sông Nhuệ, chủ động vận hành trạm bơm Yên Sở, đảm bảo an toàn cho thiết bị.

Đồng thời, đơn vị đã chỉ đạo công nhân có mặt tại khu vực ngập cố hữu tại các quận nội đô để tua vớt rác, khơi thông dòng chảy. Mặt khác, các xí nghiệp được yêu cầu tiếp tục chủ động kiểm tra, rà soát địa bàn, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, sẵn sàng triển khai khi có lệnh.

Riêng Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp, Công ty chỉ đạo đảm bảo đầy đủ các phương tiện máy móc, thiết bị, nhân lực trong tình trạng sẵn sàng hoạt động khi có yêu cầu.

Về công tác đảm bảo điện trong mưa bão, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, đơn vị cũng đã chủ động nhiều phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, hệ thống điện và khuyến cáo an toàn điện trong mưa bão.

EVNHANOI đã tiến hành kiểm tra hành lang lưới điện cao áp, rà soát toàn bộ các khu vực vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng khi mưa to. Việc cắt tỉa chặt hạ cây trong hành lang an toàn lưới điện, cây có nguy cơ đổ vào đường dây, thiết bị lưới điện đã được thực hiện.

EVNHANOI cho biết thêm, đối với vị trí xung yếu như các cột điện ở ruộng, nền đất yếu, EVNHANOI đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc kiểm tra, gia cố lại cho chắc chắn...

Đồng thời, ngành điện phối hợp với ngành nông nghiệp, xây dựng, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện thị xã rà soát toàn bộ hệ thống điện cung cấp cho các trạm bơm tiêu úng, đặc biệt đối với các trạm lớn. Xây dựng kế hoạch, phương án đáp ứng điện cho yêu cầu bơm tiêu khi úng ngập xảy ra.

EVNHANOI sẽ tổ chức triển khai phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, an toàn) nhằm đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để ứng phó khi xảy ra thiên tai hoặc sự cố bất ngờ.

Để hạn chế, đề phòng tai nạn điện trong thời điểm mưa bão, EVNHANOI khuyến cáo, người dân: Không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, hòm côngtơ, áptômát…; không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời.

Đặc biệt, trong thời điểm mưa bão, có sấm chớp, người dân nên ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập hoặc bị mưa, gió tạt làm ướt sàn.

"Người dân cần đề phòng, tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết, lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ... để đề phòng bị điện giật có thể gây thương vong," EVNHANOI cảnh báo.

Thanh Hóa hướng dẫn các chủ phương tiện đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn

Chủ động ứng phó với bão số 2, các địa phương ven biển tỉnh Thanh Hóa đã tích cực kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.

Bão số 2 di chuyển xuống Vịnh Bắc Bộ có xu hướng suy yếu về cường độ ảnh 3Lực lượng biên phòng hỗ trợ người dân chằng dây tàu thuyền trước khi bão đỗ bộ. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Tại Cảng Lạch Hới và Âu tránh trú bão tàu thuyền Bắc Trung Bộ (phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) chiều 10/8, hàng trăm phương tiện đã về nơi neo đậu an toàn.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Sầm Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn các chủ phương tiện, đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, tiến hành các công đoạn neo đậu, chằng chống tàu thuyền. Ngư dân đã tranh thủ thời tiết tạnh ráo khẩn trương đưa các vật dụng thiết yếu từ tàu thuyền cùng ngư lưới cụ lên bờ để tránh bão. 

Thành phố Sầm Sơn có 1.718 phương tiện, trong đó có 1.441 phương tiện khai thác ven bờ, 277 phương tiện khai thác vùng lộng và xa bờ. Hiện, 100% phương tiện đã về tránh trú an toàn tại các bến trong tỉnh và các địa phương như Cát Bà (Hải Phòng), Nghệ An, Hà Tĩnh…

Anh Nguyễn Văn Thảo, chủ tàu các tàu TH-93678-TS, TH-90568-TS, TH-90568-TS cho biết, ngay khi nghe thông tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2 và sự kêu gọi của chính quyền địa phương, anh đã liên lạc với các thuyền trưởng đang đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ cho tàu cập vào các nơi tránh trú để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Theo Thượng úy Nguyễn Văn Thắng, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Quảng Cư, Đồn Biên phòng Sầm Sơn, trước những diễn biến phức tạp của bão số 2, trong ngày 10/8, lực lượng Biên phòng Sầm Sơn đã triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, thực hiện tốt công tác kiểm soát ở các cửa lạch, kiên quyết không cho các phương tiện ra khơi trong điều kiện thời tiết xấu.

Đồng thời, tổ chức thường trực quân số tại cảng Lạch Hới và Âu thuyền để hướng dẫn, bố trí sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, đảm bảo an ninh, trật tự; tăng cường phối hợp với các lực lượng và chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn ngư dân phòng, chống bão.

Ông Vũ Đình Chinh, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sầm Sơn cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 3.615 khách du lịch đang lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ. Đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh hoạt động du lịch, các khu, điểm vui chơi, giải trí bố trí trực cứu hộ, cắm biển cảnh báo không cho du khách tắm biển trong thời tiết xấu để đảm bảo an toàn cho du khách khi nghỉ dưỡng tại Sầm Sơn.

Từ 17 giờ ngày 10/8, tại tỉnh Thanh Hóa bắt đầu có mưa vừa, mưa to, tại các địa phương ven biển bắt đầu có gió mạnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 10/8 đến 12/8, trên các sông suối thuộc các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Dự báo có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt cục bộ tại vùng trũng thấp, các khu đô thị.

Chủ động ứng phó với diễn biến bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương ven biển tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão số 2, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến 18 giờ ngày 10/8, 100% tàu thuyền đều giữ liên lạc và chủ động tránh trú bão số 2, trong đó có 6.179 phương tiện đã vào neo đậu tại các bến thuyền nội tỉnh; 334 phương tiện đang hoạt động trên các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Toàn bộ số phương tiện trên đã nắm được thông tin về hướng di chuyển của bão số 2, thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chủ động phòng tránh và không đi vào vùng nguy hiểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục