Mặt trái của danh hiệu

Bảo tồn di sản: Ứng xử sao với giá trị văn hóa quá khứ?

Nhiều di sản được vinh danh chứng tỏ đời sống văn hóa Việt phong phú, nhưng còn đó nỗi lo ứng xử sao với giá trị văn hóa từ quá khứ.
Với 6 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, Việt Nam đang tiếp tục xây dựng danh sách 12 di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn 2012-2020.

Có được danh hiệu là điều tốt và chứng tỏ người Việt có đời sống văn hóa phong phú. Song, thêm danh không có nghĩa công tác bảo tồn di sản đã làm tốt.

Thế nên nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam vẫn canh cánh một nỗi lo về việc chúng ta đã và đang tiếp nhận, ứng xử như thế nào với những giá trị văn hóa từ quá khứ, về những mặt trái của danh hiệu.

Di sản biến tướng…

Thực tế, các di sản nằm rải rác ở các địa phương bị tận dụng để khai thác kinh tế, du lịch… phần lớn không được ứng xử như một di sản cần bảo vệ. Đơn cử như hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở Hội Lim vừa mới diễn ra với việc xác lập kỷ lục quốc gia cho hơn 3.000 liền anh liền chị mặc trang phục áo the khăn đóng, mớ ba mớ bảy hát Quan họ.

Có chuyên gia nghiên cứu về âm nhạc dân gian đánh giá, cách bảo tồn như vậy là hoàn toàn sai lầm, vì sẽ đẩy hát Quan họ vào xu hướng bị sân khấu hóa, tập thể hóa khiến nó không còn mang tính nghệ thuật. Hơn nữa, bảo tồn Dân ca Quan họ là bảo tồn những giá trị tinh túy chứ không thể để tồn tại hình ảnh phản cảm các liền anh liền chị “nhí” vừa hát vừa ngả nón xin tiền quan khách…

Còn Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Di sản, tiến sĩ Lê Thị Minh Lý nêu ý kiến: “Nói theo một nhận định, cộng đồng đó đang thực hành một biện pháp để bảo vệ Quan họ theo cách họ nghĩ nhưng với một sự hiểu biết chưa đầy đủ."

Điều đó có nghĩa, họ nghĩ rằng làm như thế là tốt nhưng thực tế việc làm đó có khía cạnh không đúng về mặt chuyên môn hay truyền thống, quảng bá hoặc chưa hiểu đúng về bản chất của Quan họ. Vì không cảm nhận đúng nên đã trình diễn không đúng tinh thần Quan họ.

Trong khi đó, kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở nhiều quốc gia trên thế giới là, khi cộng đồng nào có sáng kiến được đánh giá tốt thì họ sẽ bàn bạc với nhà quản lý, nhà khoa học để cùng nhau đưa ra một giải pháp thống nhất tối ưu rồi mới bắt tay vào thực hiện.

UNESCO cũng rất khuyến khích và sẵn sàng nếu các quốc gia có di sản muốn tham vấn ý kiến UNESCO. “Đáng tiếc, với một sự kiện lớn ở Hội Lim như vừa rồi chúng ta lại không tham vấn các nhà khoa học, những người làm công tác quản lý văn hóa,” bà Lý nói.

Rút kinh nghiệm từ sự việc này, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, các nhà quản lý đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các địa phương có di sản cần phải có sự tham khảo nhất định về kịch bản, hình thức, cách thức tổ chức khi muốn có những sáng kiến nhằm mục đích tôn vinh giá trị của di sản.

Song, thực tế không chỉ có di sản hát Dân ca Quan họ mới trong tình cảnh đáng lo ngại như vậy mà di sản Cồng chiêng Tây Nguyên hay Nhã nhạc Cung đình Huế cũng đang vấp phải lối ứng xử kiểu “cưỡng bức thô bạo” tương tự.

Và cuộc đua “chọn mặt gửi vàng”

Thực tế, có những giá trị di sản văn hóa phi vật thể đang dần bị mai một do sự thiếu ý thức, trách nhiệm, sự hiểu biết và cái tâm bảo tồn của cộng đồng, của những nhà quản lý. Bên cạnh đó, bối cảnh xã hội hiện đại đôi khi cũng không cho phép di sản ấy có không gian cũng như cơ hội được thực hành. Vì thế, sẽ có nhiều di sản chỉ còn lại trong bảo tàng, trong ký ức hay trong kho lưu trữ mà không “sống” được.

Chính vì sự cấp bách đó, giai đoạn 2012-2020, có tới 12 “ứng cử viên” phi vật thể sáng giá sẽ tiếp tục được lựa chọn cùng lúc để trình lên UNESCO (riêng trong năm nay hai di sản sẽ được hoàn thiện hồ sơ trước). Cùng lúc xuất hiện quan ngại rằng, sẽ nảy sinh cuộc đua giữa các địa phương, khi địa phương nào cũng muốn mình là nơi sở hữu di sản.

Về vấn đề này, bà Lý trấn an, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cũng đã có khuyến nghị, không phải cứ xếp hàng theo thứ tự hay cả 12 hồ sơ dàn hàng ngang cùng tiến mà sẽ lựa chọn hồ sơ nào chuẩn bị kỹ lưỡng. Thêm vào đó, cộng đồng nào sẵn sàng nhất và đưa ra được những biện pháp có tính khả thi nhất sẽ đề cử trước…

Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO Việt Nam cũng đang lên kế hoạch hành động trong thời gian tới đối với các “bảo vật” văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong năm 2012, dựa trên cơ sở danh sách 12 di sản đang được lập hồ sơ đề cử và những di sản đã được UNESCO công nhận, UNESCO Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các cấp quản lý địa phương về di sản.

“Chúng tôi dự kiến sẽ phổ cập nội dung công ước, thi hành công ước cũng như luật di sản văn hóa của Việt Nam đến tất cả những địa phương đã đệ trình hồ sơ hoặc đã có di sản được công nhận để họ nhận thức rõ hơn về những việc cần phải làm và làm thế nào cho đúng để bảo tồn nguyên gốc giá trị di sản,” ông Sơn nói./.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục