Bảo tồn giá trị loại hình nhạc ngũ âm của người Khmer Sóc Trăng

Nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với nghi lễ, đời sống sinh hoạt của Phật giáo Tiểu thừa Theravada trong các chùa, phum, sóc ở Sóc Trăng.
Bảo tồn giá trị loại hình nhạc ngũ âm của người Khmer Sóc Trăng ảnh 1Các thành viên đội nhạc ngũ âm chùa Prés Buône Prés Phék cùng nhau tập luyện. (Nguồn: Báo Sóc Trăng)

Nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc cổ truyền mang tính phổ biến và lâu đời của người Khmer Nam Bộ nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng.

Trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã lưu giữ và thấm đẫm trong đó nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn và hết sức đặc biệt.

Ngày nay, dù đời sống xã hội có nhiều thay đổi, nhưng sức sống của nhạc Ngũ âm không vì thế mà dễ dàng mất đi, mà luôn thích nghi để tồn tại và phát triển.

Nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt của Phật giáo Tiểu thừa Theravada trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer.

Loại hình âm nhạc này được xác định có ảnh hưởng từ cung đình và tôn giáo của Ấn Độ và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Thái Lan) nhưng vẫn phản ánh những nét đặc trưng, riêng biệt của người Khmer nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng.

Nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer (Pinn Peat) là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da.

Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ âm truyền thống gồm loại 9 nhạc cụ: Kèn Srolai Pinn Peat (Bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (Bộ mộc); Rôneat Đek (Bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (Bộ đồng); Trống Samphô, Trống Skô Thum (Bộ da).

[Lễ Chol Chnam Thmay - nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer]

Có thể thấy, cấu trúc dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng có sự tương đồng rất lớn với dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer ở các tỉnh thành khác, cũng như với dàn nhạc Pinn Peat của người Khmer ở Campuchia, hay các dàn nhạc Sebnai của Lào, Piphat của Thái Lan, Saing Waing (Patwaing) của Myanmar, Gamelan của Malaysia.

Cách biên chế và liên kết dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer còn mang đậm triết lý âm dương lưỡng hợp và nguyên lý ngũ hành của văn hóa phương Đông.

Trong kỹ thuật trình tấu của dàn nhạc Ngũ âm, đàn Rôneat Ek giữ vị trí là nhạc khí trung tâm, đóng vai trò dồn bè và diễn tấu giai điệu chính để các nhạc cụ khác đánh đồng âm theo. Nhạc cụ này cũng được dùng để mở đầu hoặc kết thúc một bản nhạc.

Trong khi đó, vai trò làm nền hòa thanh và tạo ra các tầng âm thanh được giành cho đàn Rôneat Thung và Rôneat Đek. Đàn Kuông Vông Tôch và Kuông Vông Thum thì lại giữ chức năng tạo hòa thanh trong dàn nhạc. Việc làm nền tiết tấu sẽ do Skô Samphô (Trống Samphô) thực hiện.

Còn cặp Skô Thum (Trống lớn) có nhiệm vụ điểm vào những phách mạnh và tạo ra động lực để dẫn dắt cả dàn nhạc đi lên cao trào. Riêng Chhưng (chũm chọe) sẽ là nhạc cụ giúp tô điểm thêm âm sắc cho dàn nhạc bằng những phách mạnh được đệm vào.

Tất cả các nhạc cụ của dàn nhạc Ngũ âm, với từng đặc điểm, kỹ thuật diễn tấu và vai trò riêng, nhưng cùng phối hợp gắn kết chặt chẽ, hợp lý với nhau tạo nên sự hòa quyện, liền mạch và hoàn chỉnh cho từng bản nhạc được trình diễn.

Nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer Sóc Trăng vừa mang hình thức “phức tiết tấu,” nhưng đồng thời, cũng mang tính hệ thống, quy cách, khuôn mẫu và trang nghiêm, được tuân thủ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, các tầng phức điệu, bài bản chỉ được truyền miệng nên lại tạo nên sự ngẫu hứng, ứng tấu, ứng khẩu của âm nhạc Ngũ âm, có thể có nhiều dị bản, sắc thái hay biến tấu riêng trong cách diễn tấu của từng nhạc công, từng dàn nhạc, từng địa phương hay từng thời điểm khác nhau.

Nhạc Ngũ âm đã trở thành một nét văn hóa gắn bó mật thiết và in dấu sâu đậm trong tâm thức và đời sống sinh hoạt của mỗi người dân Khmer từ thuở nhỏ đến lúc rời xa cuộc đời.

Đó là những âm thanh và giai điệu mang tính ký hiệu vừa thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi quen thuộc, thân thiết và giàu cảm xúc đối với từng cá nhân và cả cộng đồng trong suốt cuộc đời của họ. Khi nghe tiếng trống (Skô Voth) cùng với tiếng nhạc Ngũ âm vang lên tại các ngôi chùa Khmer thì người dân trong phum, sóc biết được đã đến ngày tổ chức các nghi lễ tôn giáo.

Còn tiếng trống lễ tang vang lên ba hồi cùng tiếng nhạc Pinn Peat réo rắt sẽ là lời thông báo cho sự qua đời của một ai đó trong cộng đồng. Thông qua âm nhạc này, mọi người được cùng hòa nguyện tâm hồn mình và tạo ra sự kết nối cộng đồng với nhau một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng lại hết sức bền chặt, sâu đậm.

Nhận thức được giá trị và ý nghĩa to lớn của loại hình nghệ thuật trình diễn âm nhạc Ngũ âm truyền thống, nhiều năm qua, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn cùng cộng đồng người Khmer tại tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều hành động cụ thể và nỗ lực cao để bảo tồn, phát huy.

Ngày 20/12/2019, Nhạc ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hiện nay, nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer không còn giới hạn trong nhà chùa và trong các sinh hoạt nghi lễ tôn giáo và tang ma nữa.

Thay vào đó, nhạc Ngũ âm đã được tổ chức lưu giữ, trình tấu và truyền dạy ở nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị cả trong và ngoài cộng đồng như tại các phum, sóc, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật hay tại hầu hết các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

Các trường Dân tộc nội trú trong tỉnh đều có trang bị dàn nhạc và tổ chức các tiết học về nhạc Ngũ âm dành cho các đối tượng học sinh người Khmer.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng tổ chức các cuộc thi trình diễn nhạc cụ, âm nhạc Ngũ âm ở nhiều cấp độ, lứa tuổi và hình thức khác nhau để tìm kiếm tài năng, tuyển chọn và khuyến khích học và chơi nhạc Ngũ âm.

Đồng thời, dàn nhạc và các giai điệu của nhạc Ngũ âm đã xuất hiện và tham gia phục vụ trong các chương trình biểu diễn ca-múa-nhạc, biểu diễn các vở diễn của nghệ thuật sân khấu Dù Kê, các lễ hội truyền thống dân tộc hay là những sinh hoạt văn hóa-nghệ thuật khác. Thậm chí, từ tính chất hòa tấu giao hưởng, giờ đây dàn nhạc Ngũ âm truyền thống còn có thể tham gia đánh nhạc đệm cho những bài hát dân gian và hiện đại.

Những biến đổi trên cho thấy xu hướng thế tục hóa, dân gian hóa ngày càng mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm Khmer ở Sóc Trăng. Và đây có thể được xem là những yếu tố tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong thời hội nhập và phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục