Bầu cử Mỹ: Cách các ứng cử viên áp dụng chiêu bài chủ nghĩa dân túy

Chủ nghĩa dân túy chia thế giới thành hai phía, cụ thể là “chúng ta và bọn họ,” tận dụng sự chia rẽ ấy để xây dựng nên một lực lượng chính trị đặc biệt trung thành.
Bầu cử Mỹ: Cách các ứng cử viên áp dụng chiêu bài chủ nghĩa dân túy ảnh 1Các ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ: Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thượng nghị sỹ tiểu bang Vermont Bernie Sanders. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin khi một phong trào chính trị thấm đẫm bản sắc cá nhân là khi người ta không thể chỉ trích một phong trào chính trị nào đó mà không nhắm đến những người thúc đẩy nó.

Ngược lại, để duy trì niềm tin rằng các cá nhân và phong trào chính trị mà họ gắn liền đều là tích cực, thì mọi chính sách mà phong trào đó thực hiện cũng phải đi theo hướng này, và mọi hành động chính trị đều phải là chính đáng. Thực tế này là mục tiêu cuối cùng của những tuyên bố dân túy.

Chủ nghĩa dân túy chia thế giới thành hai phía, cụ thể là “chúng ta và bọn họ,” tận dụng sự chia rẽ ấy để xây dựng nên một lực lượng chính trị đặc biệt trung thành.

Chủ nghĩa dân túy đã tồn tại ở Mỹ suốt hơn một thế kỷ dù ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng mới chỉ bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý vào thời điểm diễn ra chiến dịch tranh cử năm 2016, khi các ứng cử viên Donald Trump và Bernie Sanders đều liên tục đưa ra những phát biểu mang đậm màu sắc này.

[Bầu cử Mỹ: Ông Trump mất cơ hội tái đắc cử vì Twitter?]

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy trên chính trường Mỹ diễn ra song song cùng với sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy trên toàn cầu, với thực tế các chính trị gia dân túy đang nắm quyền lãnh đạo nhiều quốc gia như Anh, Ấn Độ, Brazil, Ba Lan, Hungary, và Thái Lan.

Và nước Mỹ cũng không là ngoại lệ. Những bình luận dân túy của ông Trump và Sanders đã dẫn đến hàng loạt cuộc tranh luận nảy lửa trên truyền thông Mỹ.

Nhiều bài báo còn gọi Sanders là “Donald Trump của cánh tả,” và những biệt danh hàm ý tương tự.

Có người thậm chí còn cho rằng Bernie Sanders đã cố tình đi theo lộ trình dẫn Trump vào Nhà Trắng, song lại có ý kiến phản bác và khẳng định Sanders đã thường xuyên có phong cách này từ rất lâu trước giai đoạn bầu cử năm 2016.

Bernie Sanders chủ yếu tập trung vào mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội. Ông tạo dựng nên cái gọi là “chúng ta” thông qua lời kêu gọi nhằm vào những người lao động Mỹ, nhấn mạnh các vấn đề như bất bình đẳng thu nhập và chỉ trích tầng lớp tỷ phú vì hầu hết các vấn đề mà nước Mỹ phải đối mặt.

Ông Trump có cách tiếp cận khác. Lĩnh vực chính sách mà tổng thống Mỹ đặc biệt quan tâm là người nhập cư trái phép, song có một thực tế là trong các phát biểu của mình, ông Trump không đặc biệt chú trọng tới bất kỳ nội dung chính sách nào.

Thay vào đó, ông nhắm đến sự thù địch của “bọn họ,” với nhân tố thường xuyên được đề cập là đối thủ Hillary Clinton.

Hầu hết các tuyên bố dân túy của Bernie Sanders về bản chất đều liên quan đến kinh tế, cho dù đó là những bình luận về các tỷ phú hay những lời kêu gọi nhằm khôi phục sức bật của nền kinh tế Mỹ.

Từ góc độ chính trị, ông thường xuyên nhắc đến sự cần thiết của một “cuộc cách mạng chính trị” và miêu tả những người ủng hộ là lực lượng sẵn sàng dẫn dắt cuộc cách mạng đó.

Thượng nghị sỹ kỳ cựu này cũng nhiều lần nhắc đến các vấn đề sắc tộc, chẳng hạn như phong trào “Black Live Matters” nhằm mục đích nhấn mạnh tới hai nhóm “chúng ta” và “bọn họ.”

Nỗ lực xây dựng lực lượng của “chúng ta” mà ông Trump thực hiện chủ yếu thông qua việc đề cập tới những giá trị chung của nước Mỹ và vấn đề tôn giáo, mà về cơ bản là những gì liên quan tới “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan,” miêu tả những người ủng hộ là lực lượng sẵn sàng đứng lên chống lại hình thức khủng bố này.

Các tuyên bố của ông Trump gần hơn với phong trào dân túy truyền thống.

Ông xây dựng lực lượng “chúng ta” dựa trên những khái niệm mơ hồ, như các giá trị Mỹ, chống lại chủ nghĩa khủng bố hay lo ngại về tình trạng di cư trái phép. Ông thường xuyên đe dọa một thảm kịch sẽ xảy ra nếu đối thủ chính trị đắc cử.

Việc so sánh Bernie Sanders là “Donald Trump của cánh tả” là một sai lầm. Dù cả hai chính trị gia này đều dùng các tuyên bố dân túy để giành được sự ủng hộ của lực lượng chính trị, các mục tiêu, hệ tư tưởng và thậm chí là các phát biểu dân túy của họ đều có những màu sắc rất riêng.

Chiến dịch tranh cử của Bernie Sanders xoay quanh những vấn đề có từ lâu và rõ ràng là tình trạng bất bình đẳng thu nhập của nước Mỹ; nền tảng tư tưởng của ông được phát triển từ các xu hướng kinh tế đã được cân nhắc và cả các vấn đề chính trị cụ thể. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông Trump lại không hề có những sự rành mạch như vậy.

Tuy nhiên, cả Bernie Sanders và Donald Trump đều đại diện cho xu hướng trỗi dậy của nền chính trị dân túy trên toàn cầu, với nguyên nhân hiện vẫn đang là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Francis Fukuyama, Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học John Hopkins, cho rằng sự trỗi dậy của phong trào chính trị này - với chủ nghĩa dân túy là một hình thái khác của kiểu chính trị bản sắc - là kết quả của sự xói mòn trong bản sắc cộng đồng.

Nhìn vào những gì đang diễn ra tại Mỹ, ảnh hưởng của tôn giáo trong xã hội sụt giảm, đô thị hóa và tệ nạn ma túy đang dẫn đến sự xói mòn của các thị trấn nhỏ tại quốc gia này, trong khi toàn cầu hóa tác động tới mọi mặt xã hội với một tốc độ nhanh chưa từng có.

Các trụ cột xã hội mà người ta từng dùng để khái niệm hóa bản sắc của mình đã tàn lụi, dẫn đến sự hình thành một nhóm người càng dễ bị ảnh hưởng bởi những hình thức khác của sự hình thành bản sắc, như chủ nghĩa dân túy.

Chừng nào bản sắc Mỹ vẫn còn bị xói mòn, người dân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục nhạy cảm trước các phong trào dân túy. Nhìn vào cuộc bầu cử sắp tới, có thể thấy rằng ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy đang gây bất lợi cho ông Joe Biden, người nhiều khả năng sẽ đại diện cho Đảng Dân chủ.

Mọi chuyện chỉ tạm dừng lại khi trong giai đoạn cao trào của cuộc khủng hoảng vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (COVID-19), những lực lượng chính trị kề cận ông Trump, những người vẫn trung thành ủng hộ ông qua hàng loạt bê bối, bắt đầu dừng sự hậu thuẫn này.

Những gì diễn ra trong 4 năm qua cho thấy lực lượng chính trị của ông Trump có sức bền đáng kinh ngạc, và ngay cả trong bối cảnh hiện tại, dường như cũng rất khó để ông Biden vượt qua được thách thức này.

Khó khăn càng chồng chất bởi những di sản dân túy của Bernie Sanders, bởi ông đã thiết lập một lực lượng chính trị ủng hộ ông chứ không ủng hộ Đảng Dân chủ, và nhiều người trong số đó vẫn không chắc họ có muốn bỏ phiếu cho ông Biden hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục